Cần phải có nền nông nghiệp công nghệ cao

Đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có giống lúa nào mang đặc trưng và thương hiệu Việt để nhận diện trên trường quốc tế.

Đó là câu chuyện minh chứng cho việc nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thiếu sự chuyên sâu. 
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã khẳng định, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp muốn đạt hiệu quả cao phải dựa vào KHCN.
Theo đánh giá của Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã dành hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai các dự án giống và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN như hạ tầng thủy sản, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu…
Nhờ đó đã nghiên cứu, chọn tạo được hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ngoài ra có gần 200 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị của nông sản.
Tuy nhiên sau bao nhiêu năm đổi mới và phát triển ngành nông nghiệp, những tiến bộ về KHKT dường như vẫn chưa thực sự có được những bước tiến xa hơn một “nền móng vững chắc”.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN & Môi trường của Quốc hội, cơ chế quản lý KHCN hiện còn chậm đổi mới, tập trung chủ yếu vào các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng đầu ra và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn.
Thực tế, ngành Nông nghiệp vẫn đang thiếu kế hoạch nghiên cứu tổng thể cho toàn ngành và từng lĩnh vực. Do đó, nền nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ, hàm lượng KHCN trong giá trị sản phẩm còn thấp.
Ngoài ra, tình trạng “chảy máu chất xám” nguồn lực trong lĩnh vực KHCN đang có xu hướng tăng do thiếu chính sách ưu đãi với người làm công tác nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng nhận định, hệ quả của việc công nghệ chậm đổi mới nên nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống của nước ta vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, công nghệ bảo quản, chế biến sâu đối với sản phẩm nông nghiệp còn yếu kém khiến cho nhiều nông sản bị thiệt thòi về giá trên thị trường thế giới.

Cơ chế linh hoạt, nghiên cứu theo yêu cầu
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, cần thiết phải chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức nghiên cứu KHCN nông nghiệp từ công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường KHCN trong nông nghiệp như hoạt động mua bán bản quyền giống bản quyền cây trồng, vật nuôi…
Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới chỉ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa phát huy được hiệu quả. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực được xác định rõ nét hơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa.
Một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập sẽ được xây dựng theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua đó sẽ huy động được sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài Nhà nước vào các hoạt động KHCN, đào tạo và các dịch vụ nông nghiệp khác. Cùng với đó, các hoạt động khuyến nông cũng sẽ được phân cấp mạnh mẽ cho tổ chức nông dân và doanh nghiệp, tăng kinh phí đầu tư cho KHCN và đạo tạo nguồn nhân lực, khuyến nông.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, các nội dung ưu tiên nghiên cứu sẽ được xác định ưu tiên theo ý kiến của các tổ chức nông dân và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu để nhanh chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào đời sống.
Bộ NNPTNT cũng sẽ hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Song song với đó là mở rộng các hình thức đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các tiến bộ KHKT.

Theo Chinhphu.vn