Còn nhớ, vào cuối tháng 5-2013, sau khi nhận thấy tiến độ “rùa” của việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã có phiên họp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
Bởi trong 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99 trên tổng số 101 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, nhưng kết quả sắp xếp DNNN đạt không cao. 5 tháng, cả nước sắp xếp được 16 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 10 doanh nghiệp, còn lại theo các hình thức sáp nhập, hợp nhất và thành lập mới.
Sau khi được phê duyệt, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện, nhưng kết quả cho thấy mức độ ì ạch khi vướng mắc lớn nhất và là cái cớ khiến các DN trì hoãn đó là thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa DN.
Như vậy, mục tiêu hoàn thành việc ban hành các đề án tái cơ cấu vào quý I-2013 như đã định không thực hiện được. Cùng với đó, một thông tin đáng buồn là có đến 76 DNNN xin lùi thời hạn cổ phần hóa vào năm 2015.
Tiến độ mà Bộ Tài chính đề ra trong giai đoạn 2011-2015 cổ phần hóa 367 DN, trong năm 2012 đề ra là 93 DN, kết quả vẫn ở con số quá khiêm tốn (10 DN).
Những khó khăn và hướng tháo gỡ đã được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ. Những hạn chế của thị trường khiến tốc độ tái cơ cấu DNNN chưa được cải thiện là bao cũng được tính đến khi DN thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính và thoái vốn ở những công ty cổ phần mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.
Cùng với đó, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN tái cơ cấu.
Như vậy, ở góc độ DN thì sao?
Việc chưa “thông” về tư tưởng là một sức ỳ lớn của cả những “ông lớn”, đã cản trở thực hiện tái cấu trúc DN. Đồng ý việc thoái vốn ngoài ngành cần được tính toán, cân nhắc để có lộ trình cụ thể, không thực hiện thoái vốn một cách “ào ạt”, nhưng Chính phủ cũng cương quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có lộ trình cụ thể để sắp xếp DNNN trong lĩnh vực phụ trách, tùy theo tình hình thị trường cũng như trên địa bàn.
Chính phủ cũng giữ quan điểm DNNN để lo phục vụ phát triển một số ngành thực sự cần thiết cho quốc gia chứ không giữ DNNN để kinh doanh làm đầy thêm túi tiền của Chính phủ.
Như vậy là “hai năm rõ mười”, đường hướng đã có, Chính phủ kiên quyết nhưng với tinh thần cầu thị- vướng đâu sửa đấy, hy vọng công cuộc tái cơ cấu được cho là hết sức nặng nề sẽ có những con số đẹp vào thời gian đã định.
Theo Báo hải quan