Cạnh tranh hút vốn ngoại: Đừng thấy vào nhiều rồi chủ quan

Ông Steve Almond, Chủ tịch Deloitte cho biết Việt Nam đã vượt mục tiêu thu hút FDI năm 2013 chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, với vốn cam kết hơn 15 tỷ USD

Ông Steve Almond, Chủ tịch Deloitte toàn cầu cho biết, yếu tố cơ sở hạ tầng vật chất là rất quan trọng, như hạ tầng thông tin để tạo điều kiện cho các DN nước ngoài phát triển và kết nối, giao dịch, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tốt… Đối với Việt Nam, đây lại là những điểm hạn chế mà chúng ta đã thấy, đặt ra vấn đề Chính phủ cần xử lý để thu hút vốn FDI hiệu quả hơn.
Ông Steve Almond, Chủ tịch Deloitte toàn cầu trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Tại hội nghị các nhà đầu tư diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hôm 17/10, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang tạo được lực hút với vốn FDI. Quan điểm của ông?
Việt Nam luôn luôn ở trong tầm ngắm của các tập đoàn kinh doanh lớn vì những lợi thế rất cơ bản như giá nhân công rẻ hơn so với các quốc gia trong khu vực dẫn đến hiệu quả kinh doanh cao, thuận lợi về chính trị ổn định… Theo tôi được biết, Việt Nam đã vượt mục tiêu thu hút FDI năm 2013 chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, với vốn cam kết hơn 15 tỷ USD.
Trong vòng 12 tháng qua Chính phủ đã có một số tiến bộ đáng ghi nhận như đưa ra những chính sách quan trọng, tỷ lệ lạm phát đã được khống chế khá tốt… Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề Việt Nam cần phải xử lý như cải cách để phá bỏ các rào cản thương mại và đầu tư vào hạ tầng tốt hơn nữa.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, việc thu hút vốn FDI cũng là một lĩnh vực có tính cạnh tranh rất cao. Tại bất cứ quốc gia mới nổi nào, Chính phủ đều đặt trọng tâm rất lớn trong việc thu hút FDI, đi kèm là các chính sách khuyến khích, tạo dựng một môi trường thuế ưu đãi…
Bên cạnh đó, yếu tố cơ sở hạ tầng vật chất cũng rất quan trọng, như hạ tầng thông tin để tạo điều kiện cho các DN nước ngoài phát triển và kết nối, giao dịch, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng tốt… Đối với Việt Nam, đây lại là những điểm hạn chế mà chúng ta đã thấy, đặt ra vấn đề Chính phủ cần xử lý để thu hút vốn FDI hiệu quả hơn.

Nhưng các phân tích gần đây đều cho rằng, Việt Nam đang có bước tiến đáng kể, có khả năng cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia khác, thưa ông?
Theo tôi được biết, Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố bản danh sách về môi trường cạnh tranh của các nước thì Việt Nam đứng thứ 70 trong 148 nước được xếp hạng. Đó là một sự tiến bộ so với năm ngoái, khi Việt Nam xếp ở vị trí 75. 
Tuy nhiên, nếu so sánh với mốc thời gian năm 2006, khi kế hoạch hành động để hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được ký kết thì hầu như Việt Nam không có một bước tiến đáng kể nào. Đây rõ ràng là một thông điệp mà Việt Nam cần chú tâm đến.
Các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore luôn trụ ở thứ hạng thứ 2, Campuchia đã tiến 23 vị trí trong bảng xếp hạng này. Philippines và Indonesia đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng, khi có quốc gia thăng tiến tới 19 hạng.

Vậy làm thế nào để hài lòng nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Thái độ của nhà đầu tư nước ngoài thường liên quan đến khả năng chịu đựng rủi ro của chính họ. Rõ ràng, trong thời gian khủng hoảng vừa qua, sức chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư khá thấp. Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát của các giám đốc tài chính (CFO) ở Anh Quốc và các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy, có một sự thay đổi rất cơ bản là mức độ chịu đựng rủi ro của các nhà đầu tư đã chuyển biến khả quan hơn.
Đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào những nền kinh tế có mức độ tăng trưởng khiêm tốn như EU, Mỹ. Không ai muốn đầu tư tất cả tiền của mình vào những nền kinh tế mới nổi. Như vậy, Việt Nam không những phải cạnh tranh với các quốc gia mới nổi khác mà giờ đây còn phải cạnh tranh với các quốc gia đã phát triển trong thu hút FDI.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân hàng