Khi hoạt động kinh doanh cốt lõi không được suôn sẻ những khoản lợi nhuận khác chính là yếu tố giúp doanh nghiệp bất ngờ có lãi trong quý III-2013.
CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) vừa công bố báo cáo tài chính quý III-2013 với doanh thu đạt 28,3 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ). Theo thống kê, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu vẫn là mảng phân bón, bất động sản đóng góp 1,75 tỷ đồng vào doanh thu.
Tương tự năm 2012, chi phí tài chính (100% là chi phí lãi vay) đã ngốn hết lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của DRH trong quý này âm 1,2 tỷ đồng. Tuy vậy, với khoản lợi nhuận khác đạt 2,1 tỷ đồng đã giúp DRH thoát lỗ với mức lợi nhuận trước thuế đạt 872 triệu đồng (khoản lợi nhuận khác này không được doanh nghiệp trình bày trong thuyết minh BCTC).
CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III-2013 với những con số gây bất ngờ cho cổ đông và NĐT. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chỉ trong quý III lên tới 47 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2013 của SC5 đạt 52,5 tỷ đồng.
Việc bất ngờ báo lãi trong quý III-2013 đã giúp CP của các doanh nghiệp này tạo sóng tăng mạnh. Điển hình là mã DRH với 5 phiên tăng trần liên tục từ 1.500 đồng/CP lên 2.000 đồng/CP. Các mã còn lại sóng tăng không nhiều nhưng vẫn tạo đỉnh trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Đây là kết quả hết sức ấn tượng nếu biết rằng lợi nhuận của cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt lần lượt 2,7 tỷ đồng và 7 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận của SC5 không đến từ mảng kinh doanh chính, thậm chí hoạt động này ghi nhận con số lỗ gộp quý III lên tới 28 tỷ đồng. Trong khi đó, SC5 ghi nhận trong bảng cân đối kế toán khoản lợi nhuận khác lên đến 102 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT của SC5, nguyên nhân do phần định giá lại tài sản của dự án phường 22, quận Bình Thạnh của SC5 để góp vốn vào Công ty TNHH Bay Water với vốn điều lệ 1.019 tỷ đồng, trong đó SC5 góp 34% vốn điều lệ (tương đương 346 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bất ngờ thoát lỗ trong quý III vừa qua là CTCP Xây dựng số 7 (VC7). Theo BCTC quý III-2013, doanh thu thuần của VC7 đạt hơn 56 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ). Dù vậy, do doanh thu tài chính không đáng kể trong khi chi phí tài chính ở mức cao, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ, trong đó toàn bộ là chi phí lãi vay nên kết quả VC7 lỗ thuần 1,54 tỷ đồng.
Thế nhưng, nhờ lãi từ hoạt động khác nên VC7 thoát lỗ với lợi nhuận sau thuế 189 triệu đồng. Dù ghi nhận được lợi nhuận thực dương nhưng với kế hoạch cả năm đã đề ra trước đó, khả năng về đích của VC7 vẫn còn khá mịt mờ. Được biết, VC7 lên kế hoạch đạt 323 tỷ đồng doanh thu và 10,32 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dự kiến mức chi cổ tức 5%.
Bất ngờ không kém là trường hợp của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS). Kết quả kinh doanh quý III-2013 được VOS công bố cho thấy, mặc dù mảng kinh doanh chính giảm sút cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận được lợi nhuận thực dương.
Cụ thể, BCTC quý III cho thấy doanh thu thuần của VOS lỗ thuần tới 106,5 tỷ đồng, vượt xa khoản lỗ thuần 28,4 tỷ đồng cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác 133 tỷ đồng đã giúp VOS đảo ngược tình thế và báo lãi 26,4 tỷ đồng, trong khi quý III-2012 lỗ ròng 28,3 tỷ đồng.
Giải thích về kết quả này, ông Đặng Hồng Trường, người chịu trách nhiệm công bố thông tin của VOS, cho rằng đóng góp lớn vào kết quả này là do công ty đã bán và bàn giao thành công 2 tàu hàng khô: Ocean Star (trọng tải 18.366DWT) đóng năm 2000 tại Hàn Quốc và tàu Morning Star (trọng tải 21.353DWT) đóng năm 1983 tại Nhật Bản. Cũng theo ông Trường, từ nay đến cuối năm 2013, VOS sẽ tiến hành thanh lý thêm một số tài sản khác nhằm mục tiêu cải thiện tình hình kinh doanh chung của năm.
Theo Sài Gòn đầu tư