Nội dung nổi bật:
– Thị trường XKLĐ năm 2013 trầm lắng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết còn thiếu 10 nghìn người mới đạt mục tiêu đề ra. Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ số liệu công bố để làm đẹp con số trong khi thực tế khó khăn hơn nhiều.
– Năm 2014 dự báo còn bi đát hơn do lao động Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc, Indonesia tại thị trường Nhật Bản, thị trường Đài Loan đã mở cửa với trở lại với lao động Philippines, thị trường truyền thống là Malaysia nhưng rất bấp bênh.
Với tình hình khó khăn và trầm lắng của thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay, mục tiêu đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013 khó đạt. Lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, tình hình XKLĐ năm 2014 sẽ còn tiếp tục ảm đạm.
Số liệu đầy hoài nghi
Ngày 28/10, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong tháng 10, cả nước có 7.496 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài trong mười tháng lên 70.253 người. So với mục tiêu đề ra (80.000 lao động), vẫn còn thiếu tới gần 10 nghìn người.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, XKLĐ năm 2013 quá trầm lắng. Nhất là việc thị trường Hàn Quốc bị đóng cửa, khiến gần 13.000 lao động bị ứ đọng chưa được xuất cảnh. Theo ông Hải, nếu các tháng cuối năm không nỗ lực để đưa khoảng 7.000 người/tháng, khó đạt mục tiêu đề ra.
Bình luận về XKLĐ 10 tháng đầu năm, một chuyên gia XKLĐ tỏ ra nghi ngờ về số liệu do Cục Quản lý Lao động ngoài nước công bố. Đặc biệt là số liệu lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào (4.549 người) và Campuchia (3.962 người). “Không biết số lao động này, Cục quản lý lao động lấy từ đâu. Từ trước đến nay, trong số liệu XKLĐ không có tên Lào và Campuchia. Liệu có phải vì sợ không đạt chỉ tiêu đề ra nên Cục đưa thêm vào để làm đẹp con số”, vị chuyên gia nói.
Theo vị chuyên gia trên, nếu loại trừ số liệu lao động đưa sang Lào và Campuchia (8.511 lao động) và 9.747 (số lao động còn thiếu so với mục tiêu đề ra), từ nay đến hết năm, cả nước phải đưa thêm 18.258 lao động mới đạt mục tiêu. “Còn 2 tháng nữa là hết năm. Với tình hình khó khăn như hiện nay, việc đưa được 18.258 lao động đi làm việc ở nước ngoài là điều không tưởng”, vị chuyên gia nói.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại một số Cty XKLĐ, hiện đang xảy ra tình trạng đua nhau thu tiền và giam lỏng NLĐ bằng cách bắt học giáo dục định hướng. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, các công ty không hoàn thiện thủ tục để cho NLĐ xuất cảnh.
Tình trạng này đang khá phổ biến với thị trường Đài Loan và Nhật Bản – 2 thị trường nóng, đang thu hút đông đảo lao động tham gia. “Đăng ký đi Đài Loan, chúng tôi phải nộp tiền đặt cọc thực thi hợp đồng 10 triệu đồng. Nộp tiền học phí hàng tháng 2 triệu đồng (chưa kể tiền ăn) và tiền đồng phục, nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa được đi. Lao động thắc mắc, đại diện công ty chỉ ậm ờ…”, một nhóm lao động gửi đơn tố cáo tới Tiền Phong cho biết.
Với thị trường Hàn Quốc, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH từng khẳng định trong tháng 10 sẽ ký Biên bản ghi nhớ đặc biệt. Tuy nhiên, đến nay, đã hết tháng 10, việc ký kết vẫn còn mịt mù.
Dự báo nhiều ảm đạm
Nhận định về thị trường XKLĐ năm 2014, lãnh đạo nhiều đơn vị XKLĐ cho biết sẽ còn ảm đạm và bi đát hơn năm 2013. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm XKLĐ (thuộc Cty Servico Hà Nội) cho biết, trong năm 2014, việc đưa thuyền viên sang Hàn Quốc và Đài Loan chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do tỷ lệ phá bỏ hợp đồng lớn và nhu cầu đi làm thuyền viên ngày càng ít.
Tổng GĐ một đơn vị XKLĐ có tiếng tại Hà Nội cho biết, trong năm 2014, tình hình XKLĐ sẽ căng thẳng hơn năm 2013. Với thị trường Nhật Bản, trong năm 2014, chắc chắn lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận sẽ sụt giảm. Lý do, trong quá trình các doanh nghiệp Việt Nam đi đàm phán với các đối tác, các nghiệp đoàn Nhật Bản đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng thấp. “Họ chỉ tiếp nhận vài lao động/một hợp đồng”, vị tổng GĐ cho biết.
Ngoài ra, với thị trường Nhật Bản, lao động Việt Nam khó cạnh tranh được với lao động Trung Quốc và Indonesia. Bởi vì tỷ lệ bỏ trốn của lao động Trung Quốc và Indonesia thấp hơn Việt Nam. “Vé máy bay từ Trung Quốc đi Nhật Bản rẻ hơn đi từ Việt Nam (200 USD so với 500 USD) nên để tiết kiệm chi phí, đối tác Nhật chỉ muốn tuyển chọn lao động Trung Quốc”, vị tổng GĐ nói.
Ngày 28/10, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, ông N.Đ – GĐ một Cty XKLĐ (hiện đang có mặt tại Đài Loan) cho biết, riêng với thị trường Đài Loan, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo vị giám đốc này, hiện, Đài Loan đã mở cửa trở lại với lao động Philippines. Nếu so sánh, lao động Việt Nam thua toàn diện so với lao động Philippines từ trình độ ngoại ngữ, tay nghề đến ý thức và tỷ lệ bỏ trốn”, ông N.Đ nói.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, với Nhật Bản, trong năm 2014, để đưa được khoảng 8.000 lao động như dự kiến năm 2013 cần phải có sự nỗ lực vượt bậc của các bên liên quan.
Thị trường Đài Loan sẽ còn khó hơn vì họ đã mở cửa trở lại với lao động Philippines. Trong khi đó, với thị trường Malaysia, dù được cho là truyền thống, nhưng hiện đang rất bấp bênh (10 tháng đầu năm đưa được 6.280 lao động) nên trong năm tới khó có thể triển khai ồ ạt.
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, từ đầu năm đến nay, đã đưa được 70.253 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan đưa được 37.394; Nhật Bản 7.130; Lào 4.549; Campuchia 3.962; Malaysia 6.280; Hàn Quốc 4.219; Ma Cao (Trung Quốc) 1.726…
Theo Tiền phong