Một số đại biểu cho rằng trong kỳ họp này, Quốc hội phải xác lập một thể chế kinh tế mới để giải quyết những hạn chế nội tại của nền kinh tế đất nước.
Không nên nóng vội thúc đẩy tăng trưởng vì có thể gây lạm phát. Nguồn: internet
Trong một tiếng rưỡi đầu tiên của phiên thảo luận toàn hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sáng 31/10, một số đại biểu Quốc hội (những người thường phát biểu trong các phiên họp trước đó) đã không dành nhiều thời gian phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như ở các kỳ họp trước.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) khái quát ngắn gọn 3 khó khăn của nền kinh tế hiện nay: “Tăng trưởng kinh tế chậm, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng niềm tin của nhà đầu tư lại chưa phục hồi. Lãi suất ngân hàng giảm chỉ còn 5-6%/năm nhưng doanh nghiệp không vay được vốn để làm ăn. Xuất khẩu tăng nhưng khu vực kinh tế trong nước lại đuối tầm cạnh tranh và thâm hụt ngân sách cộng với nợ đến hạn trả đang dồn lại tạo nguy cơ gây mất ổn định vĩ mô”.
Để khắc phục những khó khăn chính này, đại biểu Trần Du Lịch hoan nghênh Chính phủ đưa ra kế hoạch năm 2014 và đưa cả mục tiêu tới 2015 với GDP tăng 6%, lạm phát mục tiêu 7%. Ông Trần Du Lịch nói: “Tôi đồng tình việc chúng ta chuyển từ quan điểm kiềm chế lạm phát sang quan điểm kiểm soát lạm phát mục tiêu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để điều hành. Tôi đồng tình việc không nóng vội thúc tăng trưởng vì nó có thể gây lạm phát”.
Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đang vướng nợ nhưng có thị trường thì Thống đốc NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp này vay để không phải ngừng hoạt động.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sĩ Đồng băn khoăn với việc tái cơ cấu 9 ngân hàng cổ phần yếu kém mà NHNN đang thực hiện. Theo đại biểu: “Muốn tái cơ cấu đủ vốn cần đánh giá lại các tài khoản ngân hàng, bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất, từ đó tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Nếu chủ sở hữu hay các cổ đông sở hữu không có đủ thì phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới, vốn trong nước không đủ phải gọi vốn nước ngoài. Nếu không ngân hàng sẽ khó hoạt động, phải đóng cửa ngân hàng”.
Để đảm bảo đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có cơ chế phân bổ đầu tư hợp lý, tránh dàn trải.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Trong 2 năm tới, quan trọng không phải là tăng trưởng 6% mà phải là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập niềm tin thị trường làm cơ sở cho giai đoạn phát triển sau. Vai trò điều hành của Chính phủ rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, Quốc hội phải có những quyết định về thể chế kinh tế trong kỳ họp này để khắc phục những khó khăn do thể chế kinh tế hiện tại mang lại”.
Cùng quan điểm, đại biểu Hà Sĩ Đồng nêu: “Việc thay đổi thể chế kinh tế phụ thuộc nhiều vào các nội dung sửa đổi Hiến pháp và cải cách một số dự án luật có tác động lớn tới tái cơ cấu nền kinh tế. Việc thay đổi các thể chế kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các nội dung này, do vậy Quốc hội cần có câu trả lời thỏa đáng để các kỳ họp sau không phải làm những vấn đề biết rồi mà vẫn phải nói nữa”.
Đại biểu Đồng nhấn mạnh: “Phải có đột phá thể chế, Việt Nam có sáng sủa hay không phụ thuộc vào kỳ họp Quốc hội này”.
Theo TCTC