‘Quy tắc hai chiếc pizza’ và bí mật của Jeff Bezos để có những cuộc họp hiệu quả

“Không bao giờ có cuộc họp mà 2 chiếc pizza không đủ để cả nhóm cùng ăn”.

Càng nhiều người tham dự, cuộc họp càng kém hiệu quả. Bởi ý tưởng được đưa ra sẽ kết thúc bằng việc tất cả người tham dự đồng thuận với nhau, thay vì bày tỏ quan điểm và đưa ra những ý tưởng riêng của mình.
CEO Amazon Jeff Bezos có một giải pháp rất hữu ích cho vấn đề này, được ông gọi là “Quy tắc hai chiếc pizza”: “Không bao giờ có cuộc họp mà 2 chiếc pizza không đủ để cả nhóm cùng ăn”. 
(Tức số thành viên dự họp chỉ nên nhỏ gọn, sao cho cả nhóm ăn 2 chiếc pizza là vừa – Người dịch).
Thực chất, lời khuyên của Bezos là chỉ nên họp hành khi thực sự cần thiết.
“Bezos muốn một công ty phi tập trung, thậm chí là vô tổ chức, nơi mà các ý tưởng độc lập sẽ chiếm ưu thế hơn tư duy tập thể”, tác giả Richard Brandt của tờ The Wall Street Journal nhận định.
Càng ngày các phong cách lãnh đạo ‘khác người’ của Bezos càng phát triển. Một cựu giám đốc của Amazon nhớ lại, khi một số quản lý đề nghị rằng các nhân viên nên giao tiếp nhiều hơn với nhau, Jeff Bezos đã đứng bật dậy phản đối: “Không, việc giao tiếp thật là kinh khủng!” (“No, communication is terrible!”)
Các buổi họp của ban điều hành Amazon, đế chế sách trị giá 100 tỉ USD, đều bắt đầu bằng việc… đọc. Trước khi thảo luận vấn đề gì, cả nhóm, trong đó có CEO Jeff Bezos, phải ngồi im lặng trong 30 phút để đọc các báo cáo dài 6 trang giấy. 
Khi mà thời đại này, người ta đã chuyển sang chiếu các slide PowerPoint trong các cuộc họp thì cách làm của Bezos “hơi kỳ cục”, như nhận xét của chính ông.
Bezos, nhân vật làm đảo lộn ngành sách và tạo nên cuộc cách mạng về thiết bị đọc sách điện tử, cho biết việc đọc như vậy đảm bảo nhóm sẽ không bị phân tán sự chú ý và mọi người đều hiểu rõ được vấn đề trước khi thảo luận. Đó cũng là cách rèn luyện khả năng tư duy và suy nghĩ thấu đáo cho cấp quản lý.
Với những cách làm khác biệt của mình, Jeff Bezos đã đưa Amazon trở thành ông vua bán lẻ trực tuyến, bành trướng vào mọi thứ từ bán lẻ thời trang cao cấp, sản xuất phim cho đến máy tính bảng. Amazon thậm chí còn bán phần mềm cơ sở dữ liệu cực rẻ cho các doanh nghiệp.

Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider/WSJ