BSC nhận định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% khó có thể đạt được trong năm nay và sự ổn định của lãi suất cho vay và huy động sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm.
Phòng Nghiên cứu Phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa ra báo cáo tháng 10/2013.
Theo các chuyên gia của BSC, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn các chỉ số thể hiện khả năng phục hồi.
Về lạm phát, báo cáo nhận định xu hướng tăng giá trở lại của lương thực, thực phẩm đang rõ nét hơn khi gần đến những tháng cuối năm. Giống như các chuyên gia của HSBC, BSC cho rằng do yếu tố mùa vụ, giá cả lương thực, thực phẩm nhiều khả năng vẫn duy trì đà tăng và sẽ là yếu tố chính gây nên lạm phát, tuy nhiên do sức cầu của nền kinh tế chưa hồi phục nên mức tăng cũng sẽ không mạnh. CPI cả năm được dự báo ở mức xấp xỉ 7%.
Trước thông tin tích cực PMI quay trở lại trên mức 50 trong 2 tháng liên tiếp, chỉ số sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong các tháng tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng đã tích lũy hàng hóa để phục vụ nhu cầu cuối năm.
BSC dự báo FDI cả năm 2013 đạt 21 tỷ USD, vượt 50% so với các năm 2011 và 2012, quay trở lại mức cao trung bình trong năm 2009, 2010.
Vấn đề tỷ giá luôn là vấn đề nóng khi những ngày cuối năm đến gần. Tuy nhiên BSC cho rằng cơ sở cho việc ổn định tỷ giá vẫn được đảm bảo nhờ vào quy mô dự trữ ngoại hối được cải thiện, lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh, FDI và ODA vẫn đạt mức giải ngân tốt.
Về lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng việc các Ngân hàng ưu tiên đẩy mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm có thể gây ra sự căng thẳng nhẹ về thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian tới.” Bên cạnh đó, BSC cũng nhận định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% khó có thể đạt được trong năm nay và sự ổn định của lãi suất cho vay và huy động sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm.
Nhận định riêng về VAMC, báo cáo viết “việc mua nợ xấu trước mắt sẽ làm cho các TCTD sạch bảng cân đối kế toán, cải thiện khả năng tín dụng giúp lưu thông vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên hiệu quả lâu dài của việc xử lý nợ vẫn cần thêm thời gian để đánh giá”.
Theo Trí Thức Trẻ/BSC