Muốn kinh tế đất nước sớm lấy lại được đà tăng trưởng, cần phải giải quyết được điểm mấu chốt đang kìm hãm sự phát triển.
“Kinh tế Việt Nam đã rơi vào bẫy tắc nghẽn tăng trưởng”. Nguồn: internet
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tỏ ra hết sức âu lo với tình trạng hiện nay của kinh tế đất nước. “Làm sao để quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nhanh như trước đây”? Ông Giàu đã phải lặp lại câu hỏi này tới 3 lần trong Diễn đàn Kinh tế mùa Thu và phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ở Huế gần đây.
Những cuộc gặp với chuyên gia, các nhà kinh tế và các đồng nghiệp ở Ủy ban là cơ sở để ông hoàn thiện báo cáo thẩm tra kinh tế – xã hội của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Thật đáng tiếc, cả 3 lần ông nêu câu hỏi trên đều chưa thể nhận được câu trả lời nào xác đáng.
Bẫy tắc nghẽn tăng trưởng
Các chuyên gia kinh tế có lý do để lờ đi câu hỏi này vì đó là điều không tưởng hiện nay. Bài thuyết trình tâm điểm không mấy sáng sủa của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã không còn gây tranh cãi nhiều như những lần trước.
Họ đồng lòng với nhận định của ông Thiên rằng, kinh tế Việt Nam đã rơi vào bẫy tắc nghẽn tăng trưởng, cả ba động lực tăng trưởng nội địa gồm doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN tư nhân và khu vực nông thôn đều đã suy kiệt và tụt hậu xa hơn.
Trong phần thảo luận chính thức hay câu chuyện ngoài hành lang, giới học thuật hàng đầu của đất nước đều chia sẻ những góc nhìn như vậy. “Đến nay tôi không thấy một ý kiến nào phản bác lại”, ông Trần Đình Thiên kể lại sau đó.
Tình trạng kinh tế hiện nay thực ra có một phần hệ lụy từ thời ông Giàu còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thời đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt kỷ lục gần 54% năm 2007 và 38% năm 2009, kích thích lòng tham, tâm lý đầu cơ và đánh quả của hầu hết các thành phần thị trường, đẩy bong bóng tài sản tăng cao đến mức hiếm người Việt Nam nào từng có cơ hội chứng kiến trong đời. Nay thì bong bóng vỡ. Song, lý do đó chỉ là một phần nhỏ, như giọt nước làm tràn ly nước của thực tại.
Lý do chính mà ông Thiên và hầu hết các chuyên gia cũng như không ít nhà quản lý nhìn nhận là chiếc áo thể chế đã trở nên chật hẹp và cũ kỹ. Tư duy kinh tế thị trường đều chưa có trong mọi lĩnh vực, từ hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực, đến vận hành DN…
Ông Thiên giải thích lại sau này: “Thể chế ở đây liên quan đến việc làm rõ khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong phát triển kinh tế thị trường. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa trả lời thật rõ câu hỏi “định hướng xã hội chủ nghĩa” có tác động như thế nào – thúc đẩy hay kìm hãm thị trường”? Hơn nữa, vì sao phải hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước cũng là câu hỏi của nhiều người.
Chiếc áo đã chật và cũ
Thật đáng tiếc, vấn đề hệ trọng mà những người tâm huyết như ông Thiên đặt ra chưa có lời giải đáp. Ngay cả trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội do ông Giàu chủ trì gửi tới Quốc hội kỳ này cũng chỉ tập trung phân tích tình hình trước mắt.
Báo cáo viết: “Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế – xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, có khả năng không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể, nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 – 7%)”. Có nghĩa, các phân tích, nhận định trên từ phía Quốc hội đều dành cho ngắn hạn.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội lại không bi quan đến thế. Chẳng hạn, báo cáo cho rằng, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, vốn FDI đăng ký tăng hơn 36%, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,4%, tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, ước đạt 96,5 tỉ đôla, tăng 15,7%.
Tất cả các số liệu này là tăng trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Dù Chính phủ tập trung vào những vấn đề ngắn hạn và còn gây tranh cãi với không ít đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải bày tỏ âu lo về những vấn đề trong dài hạn mà ông Thiên và nhiều nhà kinh tế khác đã đặt ra.
Tại phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng nói: “Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của Nhà nước và kinh tế Nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển”. Có vẻ như thể chế cũng đang kìm hãm ông và đồng sự của mình.
Không ít các đại biểu Quốc hội chia sẻ với sự thông cảm sâu sắc. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh nói tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ở tổ: “Tôi băn khoăn với cách làm mà Quốc hội cứ chất vấn Chính phủ mãi cũng không hợp lý. Đây có lẽ không phải chỉ là câu chuyện của Chính phủ. Trong chuyện tái cơ cấu phải tự mổ xẻ, chữa bệnh cho mình và có sự nghiệt ngã với bản thân”.
Ông Nghĩa đề nghị phải lập ra một ủy ban quốc gia chuyên về tái cơ cấu có sự tham gia của Quốc hội, các định chế tư vấn độc lập, các chuyên gia độc lập với qui chế làm việc và có quyền hạn nhất định, bắt đầu ngay từ năm 2014.
Trong ủy ban này, Chính phủ đóng vai trò là cơ quan thường trực, nhưng bắt buộc phải có sự tham gia của các định chế, các viện nghiên cứu kinh tế và các chuyên gia. Chẳng hạn, ông Nghĩa nói, tái cơ cấu EVN sẽ không bao giờ thành công khi để tập đoàn tự thực hiện. “Nếu không có bàn tay bên ngoài tham gia thì tái cơ cấu kinh tế không làm được. Rồi thì hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ sau cũng vẫn như vậy. Việt Nam vẫn là Việt Nam như mười mấy năm qua”.
Những nhận xét như của ông Nghĩa, ông Thiên và nhiều người khác, tiếc thay vẫn chưa được phân tích, mổ xẻ kỹ càng trong khi quá trình phân bổ nguồn lực vẫn tiếp tục sai lệch, làm cả nền kinh tế và người dân điêu đứng.
Cho đến lúc này thì Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu có vẻ tìm được một phần của câu trả lời mà ông đã đặt ra ba lần trước khi bước vào kỳ họp Quốc hội lần này. Bản báo cáo trình Quốc hội của ông khẳng định: “Kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới”.
Theo TCTC