Thời gian qua, nông nghiệp đã đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm cho kinh tế – xã hội nước ta ổn định phát triển, tiếp thêm sức để thực hiện nhiệm vụ chống suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đang có một thực tế là nông nghiệp lại chưa được đầu tư một cách tương xứng, cuộc sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn… Điều này cho thấy, cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá và có những giải pháp hợp lý để đưa nông nghiệp xứng tầm với sự đóng góp đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nông nghiệp chưa được đầu tư một cách tương xứng, cuộc sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn… Nguồn: internet
Tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nhìn chung nông nghiệp nước ta tiếp tục tăng trưởng ổn định, so sánh giữa các quý thì quý III với tốc độ tăng trưởng cao hơn quý II. Sản lượng hầu hết các loại nông, lâm, thủy sản đều tăng, trong đó sản lượng lúa gạo đạt 43,9 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2012.
Giá cả các loại nông sản sau quý II gặp nhiều khó khăn thì sang quý III đã có xu hướng tốt hơn, bao gồm giá cả về lúa gạo và chăn nuôi, đặc biệt là giá thủy sản như tôm rất cao và cá tra cũng đã tăng trở lại, gần đây chỉ có giá cà phê là giảm mạnh. Xuất khẩu của chúng ta đạt tương đương với cùng kỳ, đến hết tháng 10 dự kiến đạt 22,8 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu thủy sản và lâm sản tăng mạnh nhưng xuất khẩu, gạo, cà phê và cao su giảm…
Tuy nhiên, theo nhiều Đại biểu Quốc hội, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích đáng kể nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn chậm. Cải cách hành chính còn hạn chế.
Đây là cản trở lớn trong hiệu quả đầu tư. Đại biểu Khá chỉ ra một tồn tại là thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới chưa được tận dụng có hiệu quả, chưa có chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, hướng đến các sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn có giá trị tăng cao của một số sản phẩm chủ lực được người nông dân làm ra như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, tôm, cá da trơn… có tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới nhưng không có thương hiệu Việt Nam mà phải xuất khẩu bằng các nhãn hiệu của nước khác…
Khẳng định được vị thế của nông nghiệp trong tỷ trọng với nền kinh tế chung, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu thì nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta vẫn đạt được những thành tựu. Những thành tựu đó tạo cho nông nghiệp và nông thôn nước ta có vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước, bảo đảm cho kinh tế – xã hội nước ta ổn định phát triển, tiếp thêm sức để thực hiện nhiệm vụ chống suy thoái kinh tế.
Cũng theo đại biểu Cường, tăng trưởng chung của kinh tế cả nước đang phục hồi, GDP năm nay khả năng sẽ đạt 5,4%. Đây là những tín hiệu mừng, sự nỗ lực cố gắng cao của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp và của toàn dân nhưng điều đáng chú ý là ở chỗ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm và suy giảm nặng.
Ở giai đoạn 1995 – 2000 tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp là 4,5%. Đến giai đoạn 2001 – 2005 tụt xuống còn 3,8%. Giai đoạn 2006 – 2012 tụt tiếp xuống chỉ còn 3,3 – 3,4%. Năm nay theo báo cáo trước Quốc hội, khả năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ còn có 2,81%. Đây là mức rất thấp so với tăng trưởng của nông nghiệp những giai đoạn trước và cũng rất thấp so với mục tiêu Nghị quyết trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra.
Bên cạnh đó đang có một tình trạng là, trong khi lao động nông thôn thiếu việc làm đang có xu hướng gia tăng thì xuất hiện một bộ phận nông dân không còn tha thiết với sản xuất nông nghiệp, thể hiện ở nhiều nơi, ở Bắc bộ và cả Bắc Trung bộ nông dân bỏ ruộng không làm, có tỉnh diện tích bỏ ruộng lên đến hàng ngàn héc ta.
Đây là điều rất không bình thường bởi vì đối với nông dân làm ruộng là nghề truyền thống, có thể nói là nghề cha truyền con nối, ruộng đất chính là nguồn sống chính của người nông dân. Tại sao và vì đâu nông dân lại bỏ nghề truyền thống, bỏ nguồn sống chính để tìm việc khác mưu sinh? Đây không thể cho là chuyện bình thường, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Đâu là giải pháp để nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đến sự sụt giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong đó có nguyên nhân chính là ở chỗ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhất là vùng trồng lúa. Làm phép tính chi ly, đại biểu Cường cũng chỉ ra, nông dân ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã tính toán chi li trên 1 sào ruộng trồng lúa nếu như mưa thuận gió hòa, được mùa, được giá trong cả một vụ thì cũng chỉ có lãi từ 100.000 – 200.000 đồng còn không thì hòa và lỗ.
Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp thì cũng có nhiều. Ngoài những rủi ro như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh thì mấy năm qua giá các loại vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây giá các loại vật tư đầu vào đã tăng từ 2 – 2,5 lần trong khi đó giá nông sản chỉ tăng 1,2 lần. Ngoài ra, nông dân còn phải có nhiều khoản đóng góp khác mà được bổ theo đầu sào, có nghĩa là càng làm nhiều ruộng thì đóng góp càng lớn. Đây chính là những dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Một vấn đề lớn đặt ra, nếu như suy thoái của tăng trưởng nông nghiệp cứ tiếp tục như vậy thì trong tương lai nông nghiệp liệu có còn giữ được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế hay không? Nông dân thu nhập thấp như vậy và hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp như vậy trong tương lai nông dân còn giữ được vai trò là chủ thể nữa không? Và có đủ sức để xây dựng nông thôn mới hay không? Đây là những câu hỏi rất cần được giải đáp.
Để lấy lại vị trí trụ đỡ của nông nghiệp trong cơ cấu tỷ trọng nền kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có trách nhiệm cần phải có biện pháp tích cực để chặn đứng đà suy giảm của nông nghiệp và cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn nữa.
Đồng thời, cần phải bổ sung điều chỉnh những chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sao cho phù hợp thiết thực hiệu quả và khả thi và nhất là những chính sách hỗ trợ phải đến được với nông dân. Vừa qua chúng ta có những chính sách tốt như chính sách về vốn, chính sách hỗ trợ để bảo đảm cho nông dân có lãi ít nhất 30% hoặc là thu mua tạm trữ… nhưng trên thực tế là chưa đến được với nông dân.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và khai thác các lợi thế về khoa học và công nghệ, tạo khâu đột phá quan trọng, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản để tạo chuỗi giá trị trong nông sản. Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên sớm tham mưu chính sách hỗ trợ tích cực đầu vào để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cung cấp giống tốt, cơ giới nông nghiệp, hỗ trợ tín dụng, phát triển thị trường khoa học, công nghệ, ưu tiên chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn lực phát triển sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.
Theo TCTC