Ông Cao Sỹ Kiêm: Nới room cần có quyết sách nhanh hơn

Chừng nào vẫn còn những lo ngại và chưa có giải pháp thuyết phục, việc nới room vẫn sẽ có những ngập ngừng nhất định.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, 10 tháng năm 2013, cơ quan này đã cấp 604 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (NĐTNN), tăng gần 40% so với thời điểm cuối năm 2012. Việc NĐTNN được cấp mã số tăng mạnh thể hiện sự kỳ vọng của khối này với TTCK Việt Nam mà cụ thể là chủ trương “nới room” khi hàng chục mã hấp dẫn trên sàn đã “khóa room”. ĐTTC đã trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, xung quanh vấn đề này.
Ông nhìn nhận thế nào về việc NĐTNN được cấp mã số giao dịch tăng mạnh trong 10 tháng qua?
-Ông Cao Sỹ Kiêm: Tôi được biết UBCKNN, Bộ Tài chính đã đề xuất lên Chính phủ quy định về việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cho các NĐTNN và Chính phủ cũng đang tính toán để lựa chọn phương án tốt nhất.
Do vậy, việc NĐTNN được cấp mã số giao dịch tăng mạnh so với năm 2012 thể hiện sự quan tâm của khối này và họ đang nhìn nhận mức hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong tương lai, dài hạn, chứ không phụ thuộc vào tình cảnh hiện nay; NĐTNN cũng đang hy vọng về việc giải quyết nhanh quan điểm, chủ trương về việc nới room cho họ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể thấy hệ thống thủ tục pháp lý của Việt Nam, đặc biệt là những quy định cụ thể hóa đang tiến triển chậm. Thông thường, một chính sách nào đó được chúng ta nghĩ ra rất nhanh, nhưng khi hình dung ra điều kiện, cách làm lại rất thận trọng, dẫn đến thực thi rất chậm. Thực tế này không chỉ riêng với chính sách chứng khoán mà cả các lĩnh vực khác cũng tương tự.
– Quan điểm của ông trong vấn đề nới room?
– Một trong những điều kiện quan trọng để chúng ta có thể thu hút vốn gián tiếp nước ngoài chính là nới room và hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, an toàn, minh bạch, rõ ràng. Chúng ta đã phát đi tín hiệu với thế giới, nhưng đi vào thực tế cần phải có các quy định cụ thể, thể hiện ở việc sẽ nới room lên bao nhiêu; tính minh bạch, an toàn của hệ thống pháp lý có được cải thiện…
Tôi cho rằng dứt khoát phải nới room, bởi trong việc thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài hiện nay, các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan đang có những hấp dẫn nhất định so với Việt Nam. Trước thực tế và sự đòi hỏi của thị trường, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần phải có những quyết sách nhanh chóng hơn.
– Thưa ông, ai cũng thấy việc nới room mang lại nhiều hiệu quả, nhưng tại sao so với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ việc nới room dường như vẫn còn những băn khoăn, nghi ngại?
– Theo tôi, đang có sự băn khoăn, lo ngại trong nhận thức của nhà quản lý trong triển khai nới room như sự lợi dụng, lách, thâu tóm trên thị trường… Khác với vốn trực tiếp, dòng vốn gián tiếp khi vào có thể rất nhanh và khả năng đảo chiều, dịch chuyển cũng rất nhanh. Nếu chúng ta không quản lý tốt, khi dòng vốn này rút ra sẽ gây ra những hệ quả nhất định.
Do vậy trình độ quản lý của chúng ta phải làm sao nâng cao hơn nữa để khắc phục những tồn tại, chứ không chỉ vì trình độ, khả năng quản lý của mình mà hạn chế những cơ hội trong việc thu hút vốn gián tiếp.
– Quan điểm của ông có cần thiết trong việc nới room đối với ngân hàng?
– Chúng ta đã có chủ trương về việc cho phép NĐTNN có thể sở hữu tới 49% các ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu (hiện quy định là 30%). Tất nhiên, NĐTNN muốn nắm tỷ lệ lên tới 49% phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bước đầu, xét về mặt hình thức, đó cũng là điều tốt trong việc nới room.
Tuy nhiên, để khu vực ngân hàng hấp dẫn khối ngoại hơn vẫn cần có sự minh bạch về chính sách, bởi nếu chỉ xem xét với trường hợp này mà nói không với trường hợp khác ngân hàng là không công bằng. Nếu quy định mang tính riêng lẻ như vậy sẽ vẫn mang tính xin – cho.
– Xin cảm ơn ông.

Theo Sài Gòn đầu tư