Nhân Tuần lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bỉ, ông Didier Reynders, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Bỉ đã trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam.
Xin chào ngài Phó Thủ tướng Vương quốc Bỉ ưu tiên những lĩnh vực nào trong hợp tác với Việt Nam?
Ông Didier Reynders:Chúng tôi chú trọng tới hợp tác phát triển, tức là hợp tác trong giáo dục và y tế. Vương quốc Bỉ đã phát triển hợp tác trong đào tạo đại học, thông qua các sinh viên Việt Nam trước đây đã học nhiều năm tại Bỉ và nay làm việc tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang rất quan tâm tới lĩnh vực y tế, thông qua đội ngũ chuyên gia Bỉ làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh hợp tác trong hai lĩnh vực này, tất nhiên là hợp tác trong kinh tế là quan trọng nhất. Từ nhiều năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn của Bỉ đã có quan hệ làm ăn tại Việt Nam.
Ngài có thể nói kỹ hơn?
Ông Didier Reynders:Ví dụ như, xây dựng cảng biển, nạo vét sông ngòi, xây dựng, tài chính là những ngành đang hợp tác rất tốt. Nhưng chúng tôi cũng đang quan tâm tới các công nghệ mới như công nghệ vệ tinh cho Việt Nam. Vương quốc Bỉ cũng có nhiều thế mạnh trong năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, lọc nước và cung cấp nước sạch.
Chính phủ Bỉ khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tới Việt Nam làm ăn. Tôi muốn nhấn mạnh chi tiết này, là không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bỉ tới Việt Nam.
Tại sao lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Ông Didier Reynders:Thông qua các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn. Trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái của Phái đoàn kinh tế Bỉ, chúng tôi cũng mời nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đi cùng.
Tôi biết là trong chuyến thăm đó, có nhiều liên kết đã được thiết lập. Điều này tôi cho là rất quan trọng, vì để phát triển kinh tế thì cần phải có một tầng lớp trung lưu. Chính tầng lớp trung lưu này sẽ tạo lập nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo tiền đề cho những cố gắng của chúng ta trong hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam.
Ngài có nghĩ là Bỉ có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong hợp tác với Việt Nam, nhất là về kinh tế?
Ông Didier Reynders:Chúng tôi nỗ lực trước tiên trong các dự án song phương, thông qua các phái đoàn kinh tế. Nhưng chúng tôi cũng tận dụng những phương cách khác, ví dụ như thông qua các hiệp định thương mại, hoặc chính sách thương mại mở giữa Liên minh châu Âu và các vùng kinh tế khác trên thế giới. Chúng tôi đã áp dụng cách này với các đối tác lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhưng tôi cho rằng cũng có thể áp dụng cả với các nước ASEAN nữa, bởi vì giao thương cũng là một cách để tăng cường hiểu biết, là dịp để cộng tác làm ăn với nhau. Tôi cũng quan tâm đến khả năng khai thông thị trường hàng tiêu dùng và dịch vụ giữa ASEAN và châu Âu. Nếu làm được thì sẽ có lợi cho cả hai phía, cả hai sẽ vừa có tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm công ăn việc làm.
Theo VTV