Lợi thế của các công ty trực thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm là rất rõ ràng khi các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư lớn chủ yếu là ký với công ty mẹ là tổ chức bảo hiểm để quản lý phần phí bảo hiểm và phần vốn đối ứng của vốn chủ sở hữu.
(Ảnh minh họa)
6 công ty bị kiểm soát đặc biệt, đình trỉ
Theo Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – UBCKNN), tính đến tháng 12/2013, trong tổng số 47 công ty quản lý quỹ có 41 công ty đang hoạt động, 6 công ty đang bị kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động.
Trong năm 2013, UBCKNN đã cấp phép thành lập cho Công ty TNHH Một Thành viên Quản lý quỹ ACE Life và hoàn thành thủ tục giải thể, thu hồi giấy phép của Công ty cổ phần quản lý quỹ Sabeco. Tổng số vốn điều lệ của các công ty quản lý quỹ tại thời điểm 30/11/2013 là 2.995,4 tỷ đồng.
Năm 2013 là năm ngành Quản lý quỹ thực hiện tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ theo Đề án tái cấu trúc TTCK. Trong năm 2013, UBCKNN đã ra quyết định đình chỉ hoạt động 1 công ty, đưa 2 công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chấp thuận tạm ngừng hoạt động cho 2 công ty, và chấp thuận giải thể cho 1 công ty.
Việc thành lập 1 công ty quản lý quỹ mới trực thuộc công ty bảo hiểm nước ngoài cũng nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính ngân hàng, công ty bảo hiểm tham gia thị trường, vừa tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng của các tổ chức này, vừa hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới cho thị trường.
Nhân sự ít biến động
Về nhân sự hành nghề, tính đến hết năm 2013, các công ty quản lý quỹ có khoảng 900 người lao động, trong đó 289 nhân viên tại các vị trí nghiệp vụ chuyên môn đã có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ theo quy định. Trong năm, UBCKNN đã cấp mới 144 chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. So với tổ chức kinh doanh chứng khoán khác như công ty chứng khoán, nhân sự của ngành Quản lý quỹ biến động không đáng kể và tương đối ổn định.
Đáng chú ý là nhân viên các công ty quản lý quỹ được đào tạo cơ bản, có năng lực tốt, một phần do yêu cầu về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ cao, ngoài ra điều kiện kinh doanh có mức độ chuyên nghiệp cao cũng đòi hỏi nhân sự của ngành Quản lý quỹ phải có trình độ chuyên môn và năng lực kinh doanh.
Về kết quả hoạt động, kể từ thời điểm Quỹ ĐTCK đầu tiên được cấp phép thành lập tháng 5/2004 đến 30/11/2013, có 13 công ty thực hiện quản lý 19 Quỹ đầu tư, trong đó có 10 Quỹ thành viên (HNF, Việt Nhật, SSIMF, VEFF, VIF, VPF1, VPF3, VTF, MBEF1, Y tế Bản Việt) và 09 Quỹ đại chúng (2 quỹ đóng và 7 quỹ mở). Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các Quỹ đạt xấp xỉ 6.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản quản lý.
Ngoài ra, các công ty quản lý quỹ còn thực hiện hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện tại, có 33 CtyQLQ thực hiện quản lý danh mục đầu tư với tổng số hợp đồng quản lý danh mục đầu tư là 250 hợp đồng, quy mô vốn ủy thác đạt gần 100.000 tỷ đồng.
Khó khăn nếu không có lợi thế từ công ty mẹ
Về kết quả hoạt động kinh doanh, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các công ty quản lý quỹ tương đối ổn định do doanh thu chủ yếu là cung cấp dịch vụ. Doanh thu của Ngành năm 2013 là 600 tỷ đồng, lãi (sau thuế) ước tính năm 2013 là 70 tỷ đồng, trong đó, 22 công ty có lãi.
Tuy nhiên, UBCKNN cho rằng, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều và đang có sự phân hóa rõ rệt, hiện nay mới chỉ có 13 công ty huy động được Quỹ. Các công ty có liên quan tới các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và thành lập trước năm 2008 nhìn chung có lợi thế hơn rất nhiều so với các công ty thành lập sau này.
Cụ thể, nhóm 10 Công ty hàng đầu quản lý tới 90% tổng tài sản toàn ngành, và phần lớn đều có liên quan tới các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm. Lợi thế của các công ty trực thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm là rất rõ ràng khi các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư lớn chủ yếu là ký với công ty mẹ là tổ chức bảo hiểm để quản lý phần phí bảo hiểm và phần vốn đối ứng của vốn chủ sở hữu. Nhìn chung, các công ty quản lý quỹ không trực thuộc tổ chức tài chính nào hoạt động tương đối khó khăn do không có được lợi thế từ công ty mẹ.
8 quỹ mở đang trong quá trình thẩm định
Hiện nay, TTCK có 19 Quỹ đầu tư, trong đó có 10 Quỹ thành viên và 9 Quỹ đại chúng. Sau khi khung pháp lý về Quỹ mở (Thông tư 183/2011/TT-BTC) bắt đầu có hiệu lực năm 2012, các công ty quản lý quỹ đã từng bước thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động của các Quỹ, cụ thể là giải thể các Quỹ thành viên, Quỹ đóng và chuẩn bị thành lập các Quỹ mở. Trong năm 2013, UBCKNN đã cấp phép chào bán và cấp phép thành lập cho 9 quỹ mở (quỹ MBBF, VFF, VFMVFB, VFMVFA, VFMVF1, VFMVF4, VCBF-TBF, BVFED, ENF). Ngoài ra, 8 quỹ mở khác đang trong quá trình thẩm định để thành lập.
Theo UBCKNN, dây được đánh giá là tín hiệu lạc quan cho ngành Quản lý quỹ trong thời gian sắp tới, khi các quỹ đóng và quỹ thành viên đang dần được thay thế bằng các quỹ mở, đồng thời đáp ứng xu thế phát triển của quá trình hội nhập TTCK. Quỹ mở hình thành trên TTCK Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, và cũng là kênh thu hút vốn đầu tư lớn cho thị trường.
Tuy nhiên, do mô hình quỹ mở còn khá mới mẻ đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như các thành viên thị trường khác, nên để quỹ mở có thể trở thành sản phẩm đầu tư chủ đạo, cần rất nhiều nỗ lực của các tổ chức cung cấp dịch vụ và của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh việc hình thành các quỹ mở, việc thiết lập hệ thống hạ tầng cho triển khai quỹ ETF đang được hai Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thúc đẩy triển khai để có thể đưa vào vận hành trong năm 2014.
Theo FICA