Doanh nghiệp nhỏ cần có tầm nhìn xa

Để trở thành người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Tập đoàn CyberAgent Nhật Bản, Nguyễn Mạnh Dũng đã nuôi dưỡng quyết tâm sang Nhật học thạc sĩ kinh tế tại Đại học Hosei, Tokyo với hành trang chỉ vỏn vẹn 4.000 USD cùng mong muốn được làm một điều gì đó có ích cho Việt Nam.
Sau 5 năm trở lại quê hương trong vai trò là Trưởng đại diện, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan, Nguyễn Mạnh Dũng đã giúp Quỹ đầu tư vào 14 công ty khởi nghiệp của Việt Nam và hai công ty đang trong giai đoạn làm thủ tục giải ngân. Hiện, CyberAgent Ventures có 11 văn phòng tại 8 quốc gia. Trong đó, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia đều có Trưởng đại diện là người Nhật. Riêng với Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam do hai người nước ngoài phụ trách.

(Ảnh minh họa)
Sau khi lấy bằng thạc sĩ, tôi quyết định về làm hẳn ở CyberAgent Ventures, một quỹ đầu tư chuyên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, những người khởi đầu kinh doanh thiếu vốn nhưng có niềm đam mê và tinh thần chiến đấu cao.
Khi CyberAgent Ventures quyết định vào thị trường Việt Nam, tôi cũng là một trong số các ứng cử viên muốn về đây. Thời điểm đó, nói theo cách của người Á Đông, tôi gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên đã trở thành người may mắn nhất.
Qua 15 năm tiếp xúc và làm việc với người Nhật, tôi hiểu rằng, với họ, niềm tin và sự chân thành là vấn đề quan trọng nhất. Đây cũng là tiêu chí để người Nhật chọn đối tác hay bạn bè. Nếu làm sai thì đừng ngụy biện vì người Nhật không thích tính cách này.
Do vậy, họ dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu đối tác hơn là hoạt động kinh doanh của DN. Một khi họ đã tin thì làm việc rất dễ, họ hỗ trợ đối tác hết mình, không bỏ mặc giữa chừng.
Chính vì thế, thời gian để họ đi đến quyết định thường chậm hơn so với DN phương Tây hay Hàn Quốc. Các đối tác Việt Nam, đặc biệt là những DN nhỏ, nếu nôn nóng thì rất khó làm việc với DN Nhật.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, hiện nay, các công ty Nhật biết rằng thời gian là tiêu chí cạnh tranh trước các làn sóng đầu tư khác nên họ đang cố gắng đẩy nhanh thời gian trong các quyết định kinh doanh.
Đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm như chúng tôi, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thì không phải quyết định nào cũng đi đến thành công. Sự thất bại ở đây trước hết xuất phát từ việc đánh giá sai con người, cụ thể là người lãnh đạo, họ vừa là linh hồn, vừa là nền tảng của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Nếu đánh giá sai đội ngũ thì khả năng thất bại của khoản đầu tư rất lớn.
Việc đặt giả thiết sai cũng là nguyên nhân khiến đầu tư của quỹ không như mong muốn. Khi đó, sản phẩm của công ty khởi nghiệp đi sớm hơn nhu cầu tiêu dùng, hoặc mất quá nhiều thời gian để phát triển sản phẩm, dẫn đến các công ty đối thủ đưa sản phẩm ra thị trường sớm hơn, làm mất lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, những quy định của Nhà nước đôi khi cũng tác động khách quan đến sự thành, bại của khoản đầu tư.
Nhìn lại cộng đồng khởi nghiệp Đông Nam Á thì Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan có các hoạt động khởi nghiệp khá sôi nổi. Song, trong mắt nhà đầu tư, Indonesia có mức độ quan tâm cao nhất do quy mô dân số và quy mô nền kinh tế lớn, cộng đồng internet đông đảo nên các quỹ đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ bùng nổ hơn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về thanh toán của họ cũng phát triển hơn Việt Nam. Thái Lan đi sau Việt Nam vài năm nhưng đã bắt kịp vì quy mô thị trường phát triển, có cơ chế chính sách thông thoáng hơn.
Cộng đồng khởi nghiệp Thái Lan có quá trình cọ xát và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài về điều hành DN và kinh nghiệm quản lý, họ hiểu mong muốn của nhà đầu tư nên biết cách tiếp cận các nhà đầu tư tốt hơn.
Ở thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã xuất hiện hơn 10 năm nay. Bên cạnh một số sáng lập viên của công ty thành công và chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư của các quỹ, nhiều DN khởi nghiệp Việt vẫn còn dè chừng.
Một số lượng không nhỏ các DN khởi nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn và có nguồn gốc từ công ty gia đình. Họ không muốn mất sự kiểm soát công ty, nên dè chừng đón nhận dòng đầu tư bên ngoài để mở rộng công ty. Nếu họ có tư duy mở và thoáng hơn thì chắc chắn quy mô của công ty sẽ lớn mạnh.
Một yếu tố khác tác động đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt là có nhiều vướng mắc về chính sách nên làm cản trở dòng vốn ngoại vào Việt Nam (quản lý ngoại hối, quy chế đầu tư nước ngoài…).
Chính những thủ tục rườm rà dẫn đến chi phí cho một khoản đầu tư khá lớn và mất nhiều thời gian. Điều này xem ra quá sức với công ty khởi nghiệp vì trong giai đoạn khởi đầu, họ cần tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm và chăm sóc cộng đồng người tiêu dùng của mình.
Việc mất 6 tháng – 1 năm mới hoàn tất thủ tục đầu tư thì khi hoàn tất đầu tư cũng là lúc sản phẩm lạc hậu với thời cuộc và dễ “chết” do sự thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh khốc liệt của các sản phầm internet và công nghệ.
Mặt khác, nếu các DN khởi nghiệp không cởi mở trong quá trình kêu gọi đầu tư thì rất khó để quan hệ đối tác đầu tư thành công. Có nhiều nhóm tiếp xúc với quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa hiểu hết bản chất của quỹ. Họ ngại bị chiếm ý tưởng, một số nhóm thì cho rằng ý tưởng của họ siêu việt và không muốn chia sẻ, hoặc họ không dành nhiều thời gian tìm hiểu công ty đối thủ và thị trường.
Trong lĩnh vực công nghệ, không có ý tưởng nào là siêu việt, một sản phẩm nếu không liên tục cải tiến sẽ dễ bị thụt lùi. Những người trẻ bao giờ cũng có mơ ước, ước mơ không ai cấm nhưng đôi khi họ đi nhanh và “táo bạo” đến mức muốn tạo ra một sản phẩm, điển hình như công cụ tìm kiếm vượt mặt Google là điều… quá tầm của họ. Vì để có một công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay, Google đã trải qua khoảng thời gian dài, họ đã tạo nên một đội ngũ giỏi, họ có điều kiện, có tài chính mạnh…
Mọi mục tiêu phải đi từng bước, nó cũng giống như bạn bước trên một cái thang, phải bước thật cẩn thận, từng nấc mới đến được vị trí cao nhất, nếu cố “đốt cháy giai đoạn” sẽ rất dễ bị ngã.

Theo DNSG online