Học được gì từ Toyoda

Báo chí và các đài truyền hình Nhật Bản đồng loạt đưa tin và bình luận về Toyoda Eiji, nguyên tổng giám đốc Toyota, sau khi ông mất vào sáng 17.9.2013, tròn 100 tuổi. Là công ty tư nhân nhưng với thanh danh và ảnh hưởng trên thế giới, Toyota đã thành niềm tự hào của cả xã hội Nhật nên dư luận quan tâm đến một người từng lãnh đạo công ty đó trong thời gian dài là hiện tượng tự nhiên. Nhưng Toyoda Eiji còn đáng chú ý do đã đưa Toyota từ một công ty tương đối nhỏ và gặp nhiều khó khăn thành xí nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Có thể nói Toyoda Eiji thành công là nhờ đã phát huy cao độ tinh thần doanh nhân (entrepreneurship), tố chất quan trọng nhất của nhà kinh doanh.

Một lãnh đạo công ty được xem là người có tinh thần doanh nhân – luôn tìm cách cách tân công nghệ. Một buổi lễ mừng năm mới của người Nhật ở Mỹ. Ảnh: TLCK
Thế nào là tinh thần doanh nhân?

Một lãnh đạo công ty được xem là người có tinh thần doanh nhân nếu có các đặc tính sau: trước hết, đó là nỗ lực tìm kiếm và áp dụng cái mới, tinh thần luôn đổi mới để khám phá và sử dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, sản xuất bằng phương pháp mới, tìm kiếm thị trường mới. Các hoạt động này được gọi chung là cách tân công nghệ. Đôi khi nhà doanh nghiệp biết biến những nghịch cảnh, những thách thức trên thị trường hay trong xã hội thành động lực để khám phá công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới.
Thứ hai là thái độ tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro. Thương trường vốn nhiều rủi ro, bất trắc, nhưng nếu không mạo hiểm thì không thể thành công. Tất nhiên, mạo hiểm không có nghĩa là làm liều, không tính toán. Phải có trí tuệ, có óc nhìn xa trông rộng về tương lai và dựa trên những phân tích có căn cứ mới có thể tránh hoặc giảm được rủi ro. Phát huy trí tuệ, tận dụng năng lực của nhân viên trong công ty cũng là biện pháp khám phá cái mới và tránh hoặc giảm các rủi ro.
Thứ ba, ý thức mưu tìm lợi nhuận (profit seeking), chứ không phải mưu tìm đặc lợi (rent seeking) cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần doanh nhân. Mưu tìm đặc lợi là lợi dụng cơ chế xin – cho để mua chuộc những người có chức có quyền, qua đó kiếm được những cái lợi lớn mà không mất nhiều công sức trong kinh doanh. Người có tinh thần doanh nhân chỉ mưu tìm lợi nhuận chân chính và do đó hàm chứa tính chất cao thượng trong hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận chân chính là thành quả của nỗ lực khám phá công nghệ, khám phá thị trường cho những sản phẩm mới, hoặc cải tiến quản lý, khám phá phương pháp sản xuất mới để giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị phần. Người có tinh thần doanh nhân không màng đến cái lợi trước mắt, có hoài bão, lý tưởng, quyết đem tài năng của mình góp phần biến cải xã hội, thay đổi được cuộc sống của mọi người. Khi đã thành công trong kinh doanh, nhà doanh nghiệp chân chính lại dùng một phần lợi nhuận vào sự nghiệp văn hoá, giáo dục, hay từ thiện.

(Ảnh minh họa)
Thứ tư, một khi kinh doanh mang đủ các yếu tố trên, nhất là yếu tố thứ ba, thì đồng thời nó thể hiện rõ tính chất đạo đức trong kinh doanh. Có thể nói, đạo đức kinh doanh là kết quả tổng hợp của ba yếu tố kể trên. Người có tinh thần doanh nhân do vậy được xã hội kính nể, công ty của họ được xã hội tin cậy và nhiều khi được xem là tài sản chung của cả xã hội.
Tất cả hội đủ ở Toyoda Eiji

Sau khi tốt nghiệp khoa cơ khí đại học Tokyo, Eiji vào làm việc trong công ty Toyoda Jido – Shokki. Năm 1937, bộ phận ôtô của công ty này tách ra thành công ty độc lập và là tiền thân của Toyota ngày nay. Theo yêu cầu của tổng giám đốc công ty mới là Toyoda Kiichiro (chú ruột của Eiji và là ông nội của Toyoda Akio, tổng giám đốc Toyota hiện nay), Eiji đã theo chú sang công ty mới. Từ đó, với kiến thức cơ bản ngành cơ khí có từ thời đại học, kinh nghiệm thực tập tại công ty Ford ở Mỹ năm 1950 và khảo sát thực tiễn ở hiện trường sản xuất của Toyota, Eiji trở thành cánh tay đắc lực của Kiichiro trong việc nghiên cứu và triển khai công nghệ để sản xuất xe nội địa.
Sau khi kinh qua các chức vụ như thành viên ban giám đốc và phó tổng giám đốc, vào năm 1967, Eiji được bầu làm tổng giám đốc, từ đó Toyota bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển vượt bậc. Năm 1967 sản lượng ôtô của Toyota là 83 vạn chiếc. Đến năm 1982, khi Eiji thôi chức tổng giám đốc và trở thành chủ tịch công ty thì sản lượng đã tăng lên 328 vạn chiếc. Mười năm sau, khi Eiji rút lui khỏi các chức vụ có trách nhiệm trong kinh doanh và trở thành cố vấn công ty, thì sản lượng lên tới 470 vạn chiếc. Như vậy trong 25 năm Eiji làm tổng giám đốc và chủ tịch, sản lượng ôtô của Toyota tăng gần sáu lần. Nhưng quan trọng hơn, trong thời gian đó, Eiji đã xác lập triết lý, phương châm kinh doanh và phương thức sản xuất độc đáo trở thành nền móng để Toyota tiếp tục phát triển mạnh hơn ở giai đoạn sau.
Tinh thần doanh nhân của Toyoda Eiji thể hiện ở một số tình huống cụ thể sau:
Thứ nhất, tìm cách biến nghịch cảnh thành cơ hội. Năm 1964, Nhật Bản gia nhập tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), theo đó phải từng bước cho các công ty đa quốc gia vào đầu tư. Nhiều công ty trong nước lo ngại không cạnh tranh được vì mình còn nhỏ yếu. Nhưng Eiji cho rằng Nhật Bản đã bước vào thời đại cạnh tranh với thế giới nên chỉ còn cách là phải phấn đấu khám phá công nghệ, cải tiến quản lý, cải thiện phương pháp sản xuất để thắng lợi trong thời đại này. Và Toyota đã thành công. Ngoài ra, trong thập niên 1970 khí thải từ ôtô trở thành vấn đề xã hội và bị dư luận phê phán. Eiji đã biến thách thức đó thành cơ hội, đã khai thác công nghệ ứng phó với môi trường và sản xuất các loại xe tiết kiệm nhiên liệu. Kết quả là xe hơi tiết kiệm nhiên liệu ấy trở thành sản phẩm cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới sau hai cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm cho ôtô của Mỹ mất sức cạnh tranh.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, Eiji là người xác lập “phương thức sản xuất Toyota”, thường được gọi là “just-in-time”, nghĩa là sản xuất đúng thời hạn và vừa đúng số lượng. Phương thức này tiết kiệm được phí tổn tồn kho và quản lý chất lượng từ những khâu trung gian trong quá trình sản xuất. Cũng trong nỗ lực xác lập phương thức này, Eiji chủ trương phát huy sáng kiến, ý tưởng của từng nhân viên trong công ty, từng người lao động ở hiện trường công xưởng. Ngay cả từ khi trở thành tổng giám đốc, ông cũng thường xuống hiện trường khảo sát và hỏi chuyện nhân viên, lao động.
Thứ ba, với ý muốn đóng góp cho xã hội, vào năm 1974, lúc đang làm tổng giám đốc, Toyoda Eiji đã lập tài đoàn Toyota Foundation, với quỹ ban đầu 10 tỉ yen, nhằm tài trợ các hoạt động hoặc nghiên cứu văn hoá, xã hội, giáo dục… Eiji là giám đốc và chủ tịch của Toyota Foundation từ lúc thành lập cho đến năm 1998 (từ đó đến khi mất là chủ tịch danh dự). Trong thời gian lãnh đạo tài đoàn, ông xác lập mục tiêu, phương châm hoạt động của một tổ chức vô vụ lợi do một công ty sáng lập và tài trợ. Chẳng hạn những câu nói của ông luôn được những người kế tục nhắc lại là: “Công ty Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hội, do đó công ty phải đền đáp ân huệ đó đối với xã hội”; “Vì là trả ơn cho xã hội nên hoạt động của tài đoàn không được kêu gọi xã hội phải có gì đền đáp lại cho công ty”; “Tài đoàn phải hoạt động cho xã hội, không được hoạt động vì lợi ích của công ty”.
Muốn xây dựng thành công một đất nước có nền công nghiệp hiện đại, cần phải có những người như Toyoda Eiji.

Theo Sài Gòn tiếp thị