6 phẩm chất của người giỏi kết giao

Doanh nhân Scott Dinsmore chia sẻ những phẩm chất chung của những người kết giao giỏi mà ông nhận thấy.

Scott Dinsmore
Việc kết nối với những người mới vẫn là một kỹ năng quan trọng đối với những doanh nhân đang muốn gây dựng mạng lưới các mối quan hệ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng đây là một việc dễ dàng, nhất là đối với những người hướng nội. Cách đây không lâu, doanh nhân Scott Dinsmore đã tạo ra một danh sách những thói quen của những người kết giao khéo léo mà ông quan sát được.
Dưới đây là sáu thói quen trích từ danh sách của Dinsmore cùng những trích dẫn từ cuốn sách vượt thời gian How to Win Friends của tác giả Dale Carnegie.
1. Mỉm cười. “Những nụ cười rất dễ lây lan và là hành động đơn giản khiến mọi người cảm thấy tốt hơn”, Dinsmore đã viết như vậy. Carnegie bổ sung thêm: “Những biểu lộ trên khuôn mặt của một người còn quan trọng hơn là bộ quần áo mà họ mang trên người”. Carnegie thậm chí còn trích dẫn một chương trình đào tạo cũ mà các công ty điện thoại sử dụng để dạy về cách bán hàng qua điện thoại: “Họ gợi ý bạn nên mỉm cười khi nói chuyện trên điện thoại. Nụ cười của bạn sẽ truyền qua giọng nói của bạn”. 
2. Kết bạn. Dinsmore giải thích: “Hãy hỏi: ‘Làm thế nào để mình đối xử với người này như thể họ là bạn thân của mình hoặc là người mà mình muốn trở thành một người bạn thân?” Carnegie nhấn mạnh việc thực hành sự cảm thông. Ông kể câu chuyện về một người bán nhiên liệu tại thành phố Philadelphia có tên là C.M. Knaphle, ông rất ghét các chuỗi cửa hàng vì một chuỗi như vậy tại Philadelphia đã không mua nhiên liệu của ông mà lại mua của một nhà cung cấp khác thành phố.
Theo ý của Carnegie, Knaphle đã đồng ý tranh luận với các sinh viên tham dự khóa học của Carnegie về việc các chuỗi cửa hàng tốt hay xấu. Kết quả thế nào? Knaphle đã phải nhận phần bảo vệ các chuỗi cửa hàng. Ông đã trở lại cửa hàng đã không mua nhiên liệu của ông và đề nghị người chủ cửa hàng cho ông lời khuyên để giúp ông giành phần thắng trong cuộc tranh luận. Knaphle đã viết rằng: “Tôi phải thừa nhận rằng ông ấy đã mở mắt cho tôi nhiều điều, những điều mà tôi thậm chí chưa dám mơ tới”. Người chủ cửa hàng đã dần thích cá nhân con người của Knaphle và trở thành khách hàng của ông.
3. Lưu tâm. Theo Dinsmore thì: “Mọi người đều muốn kể câu chuyện của họ. Hãy là người đầu tiên háo hức muốn nghe nó”. Carnegie kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ với một phụ nữ tại một buổi tiệc, bà vừa trở về từ chuyến đi tới châu Phi với chồng. “Ôi châu Phi!” Carnegie reo lên. “Thích thế. Tôi luôn muốn tới châu Phi”. Ông hỏi người phụ nữ nọ một loạt câu hỏi. Người phụ nữ đã say sưa nói chuyện với ông suốt 45 phút liền.
4. Đóng góp. Dinsmore đã viết rằng: “Khi gặp gỡ ai đó, bạn hãy khiến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn…Hãy cho đi điên cuồng, hãy hào phóng và khiến những người khác thành công hơn”. Đối với Carnegie thì hãy chia sẻ với những người khác về thủ thuật bán hàng và cách thuyết phục. Một lần, người chủ cửa hàng không thể trả bằng tiền mặt cho Carnegie, ông đã chấp nhận cho họ trả bằng giày. Ông đã bán đôi giày cho một nhân viên đường sắt mà ông đã kết bạn trong chuyến du lịch xuyên quốc gia, rồi chuyển lại hóa đơn cho sếp của anh ta. Sau đó, khi Carnegie đang cố thuyết phục YMCA tổ chức các lớp học của ông, ông đã vấp phải cuộc chiến cam go. YMCA nghi ngờ rằng chẳng doanh nhân nào có thời gian làm diễn giả cả. Vì vậy, Carnegie đã đồng ý đảm nhiệm việc giảng dạy và chỉ nhận thù lao theo hình thức phần trăm lợi nhuận. YMCA đã đồng ý đứng ra tổ chức các lớp học của ông. 
5. Thấy ai cũng là bạn chứ không phải người lạ. Dinsmore viết rằng: “Khi bạn rảo bước trong một căn phòng, hãy coi những khuôn mặt mới không phải là những người lạ mà là những người bạn mà bạn chưa gặp”. Carnegie đã mô tả cách mà Jim Farley, cựu chủ tịch của Ủy ban dân chủ quốc gia đã biến những người lạ thành bạn bè. Cứ mỗi khi gặp người mới, Farley lại tìm cách để biết tên đầy đủ của họ, hoàn cảnh gia đình và một số quan điểm về kinh doanh và chính trị của họ. Khi biết những thông tin cụ thể đó, ông sẽ ở vị thế tốt hơn (khi lần thứ 2 gặp họ) để bắt tay, hỏi thăm về gia đình họ và những cây hoa thục quỳ trong vườn sau nhà họ”.
6. Hãy cởi mở trong các cuộc trò chuyện. Dinsmore chia sẻ: “Hãy trò chuyện với những người quanh bạn. Mọi người đều có thể cung cấp điều gì đó- người phục vụ hoặc người ngồi cạnh bạn trong công viên hoặc ngồi cạnh bạn trên một chuyến bay”. Tất nhiên, thật không dễ để trở nên cởi mở trong việc trò chuyện, nhất là khi bạn thuộc kiểu người hay xấu hổ. Nhưng cách duy nhất để trở nên tốt hơn là hãy nỗ lực- ngay cả khi nỗ lực mà không đem lại kết quả gì. Carnegie đã cảm nhận như vậy. Ông tin rằng cách vượt qua những nỗi sợ hãi là “làm những việc bạn sợ phải làm và bỏ lại những thành công ở phía sau bạn”.

Theo Inc