Kiếp nô lệ của nhân viên thực tập ngân hàng

“Ở lại công ty đến 5, 6 giờ sáng”, “Cả mùa hè được có hai ngày nghỉ”, “Làm việc 100 đến 120 tiếng một tuần”… là “chuyện thường ngày ở huyện” với các thực tập sinh ngân hàng tại phố Wall.

Tuần qua, Moritz Erhadt, thực tập sinh 21 tuổi tại Bank of America, London đã qua đời ngay trong ký túc xá. Giới truyền thông đang túm tụm quanh tin đồn Erhardt tử vong vì chứng động kinh phát tác sau ba đêm thức trắng làm việc liên tục (thông tin này chưa được xác nhận chính thức).
Trong tình cảnh thực tập sinh ngân hàng bị vắt kiệt sức là “chuyện thường ngày ở huyện” tại Wall, sự cố này đã gợi mở một vấn đề mới. Giữa cơn khủng hoảng tài chính, ngân hàng nào cũng việc nhiều, người ít, điều kiện thực tập có lẽ vì thế trở nên tồi tệ hơn trước. Hãy thử khảo sát bất cứ một nhóm sinh viên kinh doanh, chắc hẳn bạn sẽ khám phá ra những câu chuyện kinh khủng về các kỳ thực tập tại ngân hàng đầu tư.
Một thực tập sinh dành trọn mùa hè năm ngoái tại một ngân hàng đầu tư tại New York kể rằng anh làm việc miệt mài bảy ngày một tuần, vật lộn với đống công việc tài chính hay cả những thứ khác. “Nếu việc nhiều, có khi bạn phải ở đó đến tận 5, 6 giờ sáng. Hình như tôi chưa bao giờ rời công ty trước 10 hay 11 giờ”. May mắn lắm thì thứ bảy, Chủ nhật được ra về trước 5 giờ chiều, nhưng phần lớn: “Tính ra trong suốt mùa hè tôi có đúng hai ngày nghỉ”.
“Có những buổi đêm bước chân khỏi công ty không có nghĩa là được về”, anh ta nói, “Có khi bạn chỉ về nhà tắm rửa rồi quay lại. Dĩ nhiên là không có chuyện ngủ”. Trong giới ngân hàng London, có một cụm từ là “Vòng xoay thần kỳ” chỉ việc taxi đưa bạn về nhà, đỗ ngoài chờ bạn tắm xong rồi tống khứ bạn quay về văn phòng trong tích tắc.
Không rõ Erhardt đã bao giờ thực hiện một “vòng xoay” chóng mặt như vậy chưa nhưng cái chết bi thảm của cậu vẫn là một điều không ai phủ nhận. Vấn đề này khiến Ben Lyons, nhà sáng lập tổ chức từ thiện quyền thực tập sinh Intern Aware trả lời báo Financial Times rằng: Các ngân hàng cần thay đổi văn hóa trong thủ tục nhân sự để giảm số giờ thực tập một cách dứt khoát hoặc bằng cách nào đó.
Thực tập sinh nói trên kể rằng vì có một ông sếp cực kỳ khắt khe mà anh đã có những trải nghiệm ác mộng độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, ngân hàng đã gợi ý trước về bản chất khốc liệt của chương trình thực tập.”Lúc phỏng vấn họ không nói hẳn bạn sẽ phải làm việc 100 đến 120 tiếng một tuần, nhưng điều ấy được nhắc một cách ẩn ý trong câu hỏi: “Anh có sẵn sàng làm việc trong nhiều giờ đồng hồ không?””
Một thực tập sinh khác ở Bank of America nói rằng các thực tập sinh có “cố vấn”, “bạn bè” và được giám sát nhân sự điều hành. Theo lời anh ta kể, tại đây, ngoài cuộc trò chuyện hiếm hoi với đại diện nhân sự để đánh giá kinh nghiệm tổng thể, “Không có bất cứ điều gì đảm bảo bạn sẽ khỏe re hay không phải kiệt sức trong 5 tiếng đồng hồ liên tiếp”.

Theo Cafebiz.vn/ Trí thức trẻ