4 bài học kinh doanh đắt giá của một đặc vụ FBI

Hãy tử tế với mọi người, nhưng cần lên kế hoạch trừ khử họ. Và không cần phải la hét om sòm khi đã có một khẩu súng.
Hogg, hiện đang là một giảng viên cao cấp ở Đại học Cornell, đã sử dụng 4 tiên đề học được từ FBI để từng bước tiến lên vũ đài doanh nhân của mình, từ một gara ô tô cho đến lúc rời đi với hàng triệu USD. Ảnh tư liệu.
Năm 2005, doanh nhân Jason Jude Hogg thành lập công ty thẻ thanh toán an toàn Revolution Money từ trong chính gara ô tô của mình. Những chiếc thẻ trả trước chống trộm đã giúp ông phát triển công việc kinh doanh của mình và trở thành thẻ ghi nợ American Express Serve 5 năm sau đó, khi Hogg bán công ty cho American Express với giá 300 triệu USD.

Jason Hogg hẳn đã có một vài kinh nghiệm khởi nghiệp từ trước, cùng với tấm bằng đại học hạng B từ trường Cornell. Nhưng theo Hogg, đó chưa phải là thứ tốt nhất mà ông trang bị để kinh doanh.

Hogg từng là một đặc vụ FBI hoạt động ở thành phố New York, thuộc quản lý của một đội đặc nhiệm thực thi các nhiệm vụ bí mật trong giai đoạn 1998 – 2000. Nơi đây chính là trường học tuyệt vời nhất huấn luyện cho ông những bài học thiết thực để trở thành một doanh nhân thành đạt.

“Một trong những thứ đầu tiên FBI dạy cho bạn, là bạn phải nói chuyện được với mọi người ở tất cả các tầng lớp. Là một đặc vụ FBI, bạn phải ứng phó với tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ các CEO cho đến bọn tội phạm đường phố. Bạn phải kết giao với họ mà không bao giờ được khoe khoang hay tự kiêu”, Hogg nói. 

“Khi là một doanh nhân, bạn cũng phải làm việc với mọi người thuộc đủ mọi thành phần, các nhà đầu tư mạo hiểm, thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư, dân công nghệ, các đối tác. Bạn phải đánh giá cao tất cả mọi người. Công ty của bạn đạt được thành quả hay không, phụ thuộc vào khả năng kết nối và các hoạt động của bạn phủ rộng đến đâu trong cộng đồng”.
Jason Hogg, giảng viên cao cấp ĐH Cornell, nhà sáng lập kiêm CEO Revolution Money, cựu đặc vụ FBI.

Hogg, hiện đang là một giảng viên cao cấp ở Đại học Cornell, đã sử dụng 4 tiên đề học được từ FBI để từng bước tiến lên vũ đài doanh nhân của mình, từ một gara ô tô cho đến lúc rời đi với hàng triệu USD. Đến nay, Hogg vẫn tiếp tục sử dụng các tiên đề này trong công việc nghiên cứu và giảng dạy.
 
4 “thần chú” sau đây của cựu đặc vụ FBI có thể giúp bạn trở thành một doanh nhân mạnh mẽ hơn trong sóng gió thương trường:

“Bị 12 người xét xử vẫn tốt hơn là được 6 người khiêng”

Trích dẫn này cho thấy việc suy tính cho hành động khi bị rơi vào tình huống sinh – tử. Đó là dù bạn có bị 12 người trong bồi thẩm đoàn xét xử ở tòa thì vẫn tốt hơn là nằm trong một cỗ quan tài 6 người khiêng trong đám tang của chính bạn. 

“Với tôi, khi còn làm ở FBI, đó là một hành động rõ ràng chứ không phải việc làm đối phó, để đảm bảo rằng mình sẽ trở về nhà an toàn vào buổi tối. Còn khi là một doanh nhân, tôi biết mình phải cân nhắc các chọn lựa và đưa ra những quyết định mang tính sinh tử”. 

Hogg nói, “Khi là doanh nhân, thời gian không phải là bạn của bạn. Bạn muốn công ty của mình có tương lai, hãy nắm bắt cơ hội, chấp nhận rủi ro, nhưng chớ làm liều”.

“Suôn sẻ tức là nhanh”

Hogg cho rằng, việc khởi nghiệp một công ty và gia nhập thị trường cần được tiến hành nhanh chóng và chính xác, những không được vội vã. 

“Ở FBI, khi mọi thứ được tiến hành có vẻ trì trệ, điều đó không phải không có giá trị. Đây thực ra là chủ ý về tốc độ, giúp bạn đạt được mục đích một cách suôn sẻ ngay từ lần đầu tiên. Chúng tôi được đặt trong những tình huống lợi ích cao, đi kèm cùng những hậu quả lớn”. 

“Là doanh nhân, bạn luôn được thôi thúc phải làm ra cái gì đó và làm cho nó tiến bộ hơn. Nhưng tôi nhận ra rằng, suôn sẻ và nhanh chóng cũng phải được áp dụng cho kinh doanh, bởi bạn sẽ chẳng được ban phát thêm một cơ hội thứ hai. Bạn là một công ty mới, không có tiếng tăm và chỉ cần một miếng táo độc là chết! Bởi vậy, thà suôn sẻ còn hơn là nhanh ẩu đoảng”.

“Hãy tử tế với mọi người, nhưng cần lên kế hoạch trừ khử họ”

Khi thiết lập quan hệ đối tác, kêu gọi các nhà đầu tư đổ tiền vào dự án khởi nghiệp của bạn, và làm việc với đối thủ lớn hơn, bạn luôn cần lên một kế hoạch B trong trường hợp mọi chuyện không được như ý. Đừng bao giờ “vạch áo cho người xem lưng”, hãy tỏ vẻ mình có mục đích tích cực và tử tế.

“Tôi cho rằng những điều này đặc biệt nên áp dụng cho các công ty nhỏ trong những mối quan hệ đối tác chiến lược của họ. Bạn phải có chiến lược rút lui cho mình, nhưng hãy thể hiện mình có mục đích tích cực và tốt đẹp. 

Phải luôn nghĩ về việc phải làm gì, nếu họ ăn cắp ý tưởng của bạn, hất cẳng bạn khỏi thương trường, hoặc chiếm thế thượng phong trong suốt cuộc đàm phán. Bạn phải hiểu rằng mình là chú lùn và đang tiến đến cạnh một gã khổng lồ”.

Hãy luôn có một kế hoạch dự trù nếu có tình huống xấu xảy ra. 

“Không cần phải la hét om sòm khi đã có một khẩu súng”

Điều này nói về tác dụng của đòn bẩy (ở đây là “khẩu súng”) và sự bình tĩnh, nhất là khi kêu gọi các nhà đầu tư vào doanh nghiệp của bạn. Hãy nghĩ rằng ý tưởng đột phá của bạn như một khẩu súng, khi đã có nó rồi thì không cần thiết phải hét lên để được mọi người lắng nghe.

“Ở FBI, họ dạy chúng tôi phải luôn giữ được sự bình tĩnh. Dù mọi người có đặt biệt danh cho bạn, hay bạn phải làm việc trong môi trường khó chịu, thì cũng không bao giờ được mất bình tĩnh”, Hogg nói. 

“Trong kinh doanh, khi trình bày ý tưởng ở một buổi giới thiệu sản phẩm hay huy động vốn, đòn bẩy của bạn chính là ý tưởng của bạn. Nếu mọi người không thích nó, bắt đầu công kích, thử thách hay chỉ trích bạn, hãy vững vàng và giữ bình tĩnh. Đây là một kỹ năng mà bạn phải thực hành một cách thuần thục”.

Theo Tri thức trẻ/CafeBiz