7 thói quen để trở thành doanh nhân “mạnh”

Để giữ vị trí đỉnh cao trong kinh doanh cũng như sức khỏe, doanh nhân có thể và nên thiết lập một số thói quen, theo Scott Christ. 

Ảnh minh họa
Scott Christ là một nhà văn – doanh nhân. Ông chia sẻ: “Tôi đã từng kiệt sức vào cuối ngày dài làm việc, bơ phờ vì chặng đường lái xe vô cùng căng thẳng về nhà và vật người ra trên ghế trong suốt vài giờ. Nhưng có một việc đã xảy ra. Các thói quen của tôi đã giải quyết những chuyện đó.
Tôi đã “lập trình” thói quen luyện tập mỗi ngày lúc 6 giờ chiều vào trí óc.
Và mỗi khi đồng hồ điểm 6 tiếng, tôi dừng công việc và lao khỏi phòng để đổ mồ hôi và đốt cháy năng lượng.
Trở thành chủ doanh nghiệp và việc chăm sóc sức khỏe của bạn là hai khái niệm đồng nghĩa.
Một phần lớn trong đó là vì cả hai đều đòi hỏi những hành động của thói quen. Và theo Charles Duhigg, tác giả cuốn The Power of Habit (Sức mạnh của thói quen), những thói quen có vai trò trong 40% hoặc nhiều hơn những quyết định hằng ngày của chúng ta”.
Và đây là 7 thói quen mà Scott Christ nhắc đến:

1. Học điều mới mỗi ngày
Các doanh nhân lành mạnh là những người mơ mộng suốt đời. Họ làm việc chăm chỉ, vui chơi hết mình và suy nghĩ tích cực. Họ thích đọc sách, nghe sách nói và tiếp thu kiến thức ở mức nhiều nhất có thể.
Họ không chỉ tự học hỏi những chủ đề liên quan tới phát triển doanh nghiệp của mình, họ còn tìm kiếm các kiến thức để có được sức khỏe. Họ hiểu rõ các hành vi lành mạnh sẽ có tác động trực tiếp tới công việc kinh doanh của mình.
2. Thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch để đạt mục tiêu
Các doanh nhân lành mạnh hiểu rằng, học mà không hành là cách nhanh nhất đi đến thất bại. Họ luôn đi xa hơn sự học – họ áp dụng. Vì họ nhận ra, cuộc hành trình ngày nọ nối tiếp ngày kia và những bước tiến dường như rất nhỏ là cách duy nhất để họ đạt được mục tiêu cuối cùng.
3. Sử dụng thời gian rảnh rỗi khôn ngoan
Một người bình thường dành trung bình 3 giờ mỗi ngày xem TV. Đừng giống họ!
Để khỏe mạnh, hãy tập trung vào việc gây dựng doanh nghiệp, chăm sóc bản thân và gia đình, cố gắng thay đổi thế giới. Một lời khuyên là hãy dành thì giờ rảnh rỗi để ngồi thiền hoặc dành thời gian để viết ra những mục tiêu của bạn.
4. Ưu tiên việc tập thể dục
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ nuôi dưỡng một trí óc khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê của CDC – Trung tâm phòng chống bệnh tật của Mỹ, có 80% người trưởng thành ở nước này không tập thể dục đúng như khuyến nghị.
Những hướng dẫn hoạt động thể chất do người Mỹ đề xuất: Người trưởng thành nên dành ra 2,5 giờ mỗi tuần hoặc nhiều hơn cho các bài tập aerobic thông thường và hai lần luyện tập nặng mỗi tuần.
Ngay cả khi bạn bận rộn điên cuồng, vẫn hãy cố gắng tìm ra 10 phút rảnh rỗi. Nó sẽ giúp loại bỏ stress và đẩy lượng endorphin ra ngoài cơ thể để đối mặt với những thử thách tiếp theo.
5. Ăn ít thức ăn nhanh hơn
Hãy coi thức ăn như nhiên liệu: nhiên liệu có chất lượng càng cao, “cỗ máy” cơ thể bạn càng hoạt động tốt.
Bạn không cần phải ăn kiêng hay cắt giảm khẩu phần để có được sức khỏe tốt. Hãy chỉ ăn những thức ăn gần với tự nhiên nhất, thay vì các loại thức ăn nhanh hay đã qua công nghệ xử lý.
Bằng cách đó, bạn thu được rất nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng sức bền của năng lượng cơ thể và tâm trạng.
6. Ngủ nhiều hơn
Mọi doanh nhân đều trải qua chuỗi ngày gồm những đêm khuya khoắt, những buổi họp sớm và những đáo hạn vào phút chót. Nhưng các doanh nhân khỏe mạnh luôn hiểu, giấc ngủ rất thiết yếu với sự thành công của họ.
Dù bạn thức dậy thật sớm và giải quyết ngay các dự án quan trọng của mình trong buổi sáng, hay bạn là một “cú đêm”, hãy tìm ra thói quen ngủ nghỉ thường xuyên và tuân thủ chặt chẽ.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một giấc ngủ trưa hợp lý. Nó có tác dụng “sạc” lại năng lượng cho bộ não bạn.
7. Tạo sự cân bằng trong cuộc sống
Các doanh nhân khỏe mạnh luôn ứng xử với sức khỏe như một phong cách sống. Bạn không thể “băng bó” thêm vào một kế hoạch kinh doanh tồi tệ, cũng như bạn không thể ăn cho một tuần và chờ đợi giảm cân.
Các doanh nhân thành đạt dành trọn tâm huyết cho một cuộc sống khỏe mạnh – Làm việc thông minh hơn, chứ không chăm chỉ hơn.
Việc kinh doanh và sức khỏe luôn đi cùng nhau. Mỗi cái sẽ dạy bạn những bài học giá trị về cái kia.
Bên cạnh gia đình, bạn bè và các mối quan hệ, có rất ít những điều quan trọng với bạn hơn sức khỏe và sự nghiệp. Khi bạn đeo đuổi say sưa với cả hai điều này, bạn sẽ trải nghiệm một cuộc sống trọn vẹn và dài lâu hơn.

Theo DNSG/ Entrepreneur