Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Du Lịch khi góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trong phiên thảo luận của các ĐBQH chuyên trách sáng nay, 10-4.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Hanoimoi.
Tại kỳ họp thứ 6, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Về cơ bản, các vị ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện đạo luật này và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Để góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án Luật trước khi trình QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý về dự án luật này.
Thế nào là “không vì mục đích lợi nhuận”?
Về nguyên tắc hành nghề công chứng, hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau, không vì mục đích lợi nhuận và vì mục đích lợi nhuận. Theo UBTVQH, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định.
Vì vậy, hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân và tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước như giới hạn về địa bàn hoạt động, về hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí công chứng trong phạm vi khung giá theo quy định của Nhà nước. Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho phép bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” trong hoạt động công chứng.
ĐB Trần Du Lịch bày tỏ ủng hộ quan điểm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải làm rõ “thế nào là không vì lợi nhuận”. Theo ĐB, “nếu ai làm nghề công chứng viên thì đừng nghĩ là đi làm giàu”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại cho rằng, nếu các văn phòng công chứng không vì lợi nhuận thì chắc không ai làm.
Phân tích làm rõ thêm, ĐB Bùi Sỹ Lợi (UB Các vấn đề xã hội của QH) cho rằng, quy định các văn phòng công chứng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận là đúng, bởi vì quy định trên vẫn khác với không vì mục đích phi lợi nhuận.
Công chứng nội dung bản dịch là không phù hợp
Theo đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP. HCM), Luật Công chứng phải đặt ra vấn đề rất quan trọng, đó là những vấn đề gì của quan hệ dân sự xã hội thì trả về cho dân sự. “Chúng ta hiện chưa dứt khoát, cơ chế của chúng ta hiện nay bao cấp mọi trách nhiệm dân sự. Dự thảo Luật cần phải mạnh dạn hơn, đã là xã hội hóa thì Nhà nước không bao cấp quan hệ dân sự”, ông Lịch nhấn mạnh.
ĐB Trần Du Lịch phân tích, bản chất của công chứng, người công chứng viên chứng thực về hình thức chứ không phải là nội dung. Nhưng làm công chứng thì không thể không liên quan nội dung, ở các nước quy định rất rõ, loại nào người công chứng có trách nhiệm công chứng nội dung bên trong còn loại nào chỉ công chứng hình thức văn bản. Nếu chúng ta không phân biệt rõ thì sẽ rất phức tạp.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), người dân rất kêu ca, phàn nàn về công chứng, cho nên cần thiết phải sửa đổi một số quy định tại Luật này.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, về quy định công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, qua khảo sát công chứng viên “rất sợ điều này”, họ chỉ mong muốn chứng thực về hình thức.
Về vấn đề này, trong Báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH đã đề nghị giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Theo đó, bổ sung vào dự thảo Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 62) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.
Tuy nhiên, các ý kiến của ĐBQH tại phiên họp đều thống nhất đề nghị chỉ công chứng hình thức của bản dịch. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Thường trực UB Pháp luật), qua khảo sát các công chứng viên cho rằng, nếu phải công chứng, chứng thực nội dung bản dịch thì họ không thể thực hiện được. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, không nên đưa quy định này vào dự thảo Luật, bởi nếu “quyết đưa thì chúng ta đang áp đặt một quy định không thể thực hiện được vào thực tế”.
Theo Báo Hải Quan