Bất cứ ai đã từng là cha mẹ đều có thể chắc chắn một điều: trẻ con chính là những nhà đàm phán bậc thầy. Cách lũ trẻ bày tỏ để có được món đồ chơi yêu thích nhất hoặc được đi ngủ muộn hơn không chỉ là “trò mè nheo trẻ con” mà đó là những gợi mở quý giá về chiến thuật đàm phán trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ảnh minh họa
1. Bắt đầu bằng việc đề nghị hỗ trợ
Trước khi lũ nhóc đưa ra một lời đề nghị cho một việc gì đó, ngoài những việc phải làm hàng ngày, chúng thường rất hăng hái giúp việc nhà. Chúng sẽ chủ động giúp việc vặt và dù chúng ta thường thấy ngay được động lực kín đáo bên trong, nhưng cách làm này vẫn thường đem lại những điều có lợi cho chúng. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn sẽ dễ dàng đồng ý hoặc làm việc với ai đó vừa mới làm điều gì tốt cho bạn.
2. Chọn đúng thời cơ tiếp cận
Bọn trẻ là bậc thầy trong việc chớp thời cơ tiếp cận – chúng thường đợi khi bạn đang dở tay chuẩn bị bữa tối hoặc cố đợi cho tới khi các anh chị em ruột của chúng đã đi ngủ. Trẻ nhỏ đang ở tuổi biết đi có thể làm tốt điều này. Đánh giá những thứ đang diễn ra xung quanh mục tiêu của bạn và chọn đúng thời cơ để bạn có nhiều khả năng nhận được câu trả lời “có” là một cách làm thông minh dù bạn đang ở nhà hoặc trong môi trường kinh doanh.
3. Sử dụng đòn bẩy từ một người ủng hộ có uy tín
Đứa con trai nhỏ nhất của tôi thường tranh thủ sự ủng hộ của anh trai khi đàm phán. Với việc tạo ra một liên minh, rõ ràng là nó cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn khi anh trai nó đứng sau ủng hộ. Cách này cũng thường hiệu quả nếu đó là một lời đề nghị hợp lý.
Tương tự như vậy, tôi thấy thật hiệu quả khi xem trước các ý tưởng và xây dựng một nhóm những người ủng hộ có ảnh hưởng, đáng tin cậy trước khi tiếp cận với người ra quyết định hoặc đối tác tiềm năng. Khi trình bày một ý tưởng hoặc một một lời đề nghị đã được một nhóm tin là một ý tưởng hay, thì họ rất khó từ chối.
4. Thể hiện sức hấp dẫn
Công trạng tất nhiên cũng quan trọng, nhưng sự hấp dẫn và kết nối về mặt cảm xúc mới khiến bạn đạt được điều mình cần. Trẻ em biết rằng cha mẹ chúng rất khó từ chối khi lời đề nghị của chúng kèm một nụ cười xinh xắn. Con người thường hành động theo cảm xúc. Những mối gắn kết cá nhân tích cực rất quan trọng.Trong kinh doanh, có một mối quan hệ tốt ngoài phòng họp với người mà bạn đang đàm phán có thể có tác động quan trọng tới sự thành bại của vụ thương thảo.
5. Nói chuyện với người ra quyết định
Một trong những gợi nhắc quan trọng về nghệ thuật đàm phán từ bọn trẻ là hãy đảm bảo bạn đang nói chuyện với người ra quyết định. Bọn trẻ biết ai có thể đồng ý với đòi hỏi của chúng và sẽ nhắm mục tiêu vào người đó. (Và nếu người ra quyết định nói “Không”, chúng sẽ chuyển sang người có vai trò quyết định thứ hai!)
Thật là phí thời gian khi nói chuyện với những người không thể đồng ý. Khi đàm phán một thương vụ, dù lớn hay bé, hãy đảm bảo rằng bạn đang nói chuyện với đúng người, bằng không bạn sẽ không có món kem cho bữa tráng miệng.
Theo Entrepreneur