“3 người Nhật biến thành 1 con rồng” – Bí quyết kinh doanh của người Nhật

Làm thế nào mà Nhật Bản – một quốc gia nhỏ bé, kiệt quệ sau chiến tranh, không có “rừng vàng biển bạc”, lại phải hứng chịu biết bao thảm họa thiên nhiên lại có thể cất cánh trở thành một siêu cường quốc kinh tế, chỉ đứng sau Mỹ? Sự thần kỳ ấy chỉ có thể lý giải bằng ý chí mạnh mẽ, bằng sự nhạy bén, tài năng đặc biệt về mặt kinh doanh cùng mẫu hình quản lý doanh nghiệp ưu việt của người Nhật Bản.

Ảnh minh họa
1. “Ba người Nhật biến thành một con rồng”
“Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa” đã ngấm sâu vào trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, trở thành một quan niệm kinh doanh và triết lý xử thế, từ đó hun đúc nên “tinh thần tập thể” số một thế giới.
“Dĩ hòa vi quý” chỉ sự hài hòa, hợp tác, hữu ái, tương trợ khoan dung, nhẫn nại, cảm thông, tha thứ,… Chỉ có tinh thần này, toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp mới có thể tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết tương trợ, phối hợp nhịp nhàng, mới có thể sinh ra sức mạnh vô tận; doanh nghiệp từ đó mới có thể phát huy được sức cạnh tranh vô cùng to lớn.
Một nhà văn từng nói “Một người Nhật là một con giun, nhưng 3 người Nhật ở cùng nhau sẽ biến thành một con rồng”. Nguyên nhân chính là do người Nhật đã phát huy huy hữu hiệu tinh thần “hòa”, thông qua sự đoàn kết dân tộc mà sinh ra một “hợp lực” tăng trưởng với cấp số nhân.
2. Ông chủ như cha mẹ
Doanh nhân Nhật Bản có tinh thần nghĩa vụ mạnh mẽ đối với nhân viên. Giữa ông chủ và nhân viên có mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Trong quan niệm của họ, ông chủ chính là “cha mẹ”, còn nhân viên chính là “con cái”. Ông chủ phải hết lòng đảm bảo cho nhân viên có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, không thiếu bất kỳ nhu yếu phẩm sinh hoạt nào. Ông chủ thậm chí còn phải giúp đỡ nhân viên tìm người yêu, giúp con cái của nhân viên đến học ở các trường học danh tiếng giống như quan tâm đến con cái của mình.
Để tăng cường tinh thần trách nhiệm và tình cảm thân thiết của nhân viên đối với mình, các ông chủ Nhật Bản thường xuyên tìm cơ hội tiếp xúc với nhân viên, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân viên. Chẳng hạn, họ cùng nhân viên tham gia các hoạt động tập thể như bơi lội, tắm suối nước nóng, dã ngoại,… do công ty tổ chức, thậm chí họ còn đến nhà thăm nhân viên. Khi công ty gặp khó khăn, ông chủ là “chủ nhà” đầu đội trời chân đạp đất, họ sẽ bảo vệ nhân viên của mình giống như gà mẹ bảo vệ đàn gà con.
3. Sếp phải luôn nêu gương cho nhân viên
Làm gương cho nhân viên có tác dụng mạnh mẽ hơn cả quyền lực, doanh nhân Nhật Bản hiểu rõ điều này. Vì vậy, các ông chủ Nhật Bản luôn nghiêm khắc với bản thân và làm gương cho nhân viên bằng hành động thực tế của mình. 
Ông Iue Toshio, Chủ tịch Hãng điện tử Sanyo, nói: “Muốn giáo dục người khác thì mình phải làm gương. Chỉ có dốc toàn lực xây dựng mình thành một người lãnh đạo doanh nghiệp đúng nghĩa, bạn mới có đủ tư cách để giáo dục và bồi dưỡng người khác. Tổng giám đốc kém phẩm chất muốn “tạo nên” thuộc cấp “chất lượng cao” là điều không thể. Cũng như vậy người lãnh đạo kém không thể lãnh đạo một doanh nghiệp ưu tú”. Do đó ông là người luôn đi làm việc đúng giờ và được mệnh danh là người đi công tác 48 lần 1 tháng. 
Ông còn cho rằng xây dựng hình ảnh của bản thân không chỉ phải khắc khổ học tập, liên tục khơi gợi bản thân và không ngừng khám phá mà còn phải thường xuyên giữ tinh thần kỷ luật khắt khe – nhưng vẫn phải kiên trì – cũng như tinh thần hi sinh làm gương cho nhân viên trong doanh nghiệp.
4. Chế độ thuê suốt đời và chế độ thâm niên
Chế độ thuê suốt đời nghĩa là nhân viên được công ty tuyển dụng, sau khi thử việc và nhận định là đạt sẽ được làm nhân viên chính thức. Sau đó nếu không có vấn đề cá nhân thì nhân viên thường không bị sa thải, họ có thể được công ty thuê làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Chế độ thuê suốt đời có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Thứ nhất, nó giải tỏa được nỗi lo nhân viên thất nghiệp, thúc đẩy họ có thái độ tích cực đối với công việc và đãi ngộ, hướng đến kế hoạch lâu dài chứ không vì lợi ích trước mắt, từ đó giúp hóa giải mâu thuẫn do việc tăng lương và thăng chức gây ra, giúp phát huy tính chủ động và tính tích cực của nhân viên, nâng cao năng suất lao động. Thứ hai, nó giúp bồi dưỡng tinh thần chủ nghĩa tập thể cho nhân viên. Thứ ba, nó giúp doanh nghiệp tiến hành đào tạo nhân viên một cách có kế hoạch theo từng bước cụ thể. Thứ tư, nó thúc đẩy chủ doanh nghiệp không ngừng cải thiện trình độ quản lý để giải quyết vấn đề thừa nhân lực do kỹ thuật tiến bộ.

Theo cuốn “Trí tuệ kinh doanh của người Nhật”/hoclamgiau