8 lỗi sơ đẳng của một lá thư xin việc

Lá thư xin việc là một trong những hình ảnh đầu tiên của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và công sức vào đây, đừng chỉ coi nó như một vật vô tri vô giác.

Ảnh minh họa

Dưới đây là một mấu thư xin việc chứa những lỗi thường gặp trong thực tế:
Thưa Ông:
Tôi đã xem quảng cáo của ông. Đây là loại công việc mà tôi đang tìm. Tôi chắc chắn rằng mình sẽ rất yêu thích nó và công việc này cũng sẽ mang lại những kinh nghiệm tốt cho tôi. Tôi đã gửi rất nhiều thư xin việc mà chẳng nhận được chút hồi âm nào. Như ông có thể thấy, tôi có tất cả những gì ông cần. Ông sẽ thiệt nếu không chọn tôi vào vị trí này. Hãy gọi cho tôi theo số ĐT 04.874….
Ứng viên Nguyễn Văn A
Lá thư trên mắc 8 lỗi cơ bản sau:
1. Không dùng “Thưa Ông”. Nếu người đang đọc lá thư của bạn là một phụ nữ, chắc chắn họ sẽ không ấn tượng với lời chào này. Hãy tìm hiểu tên của người sẽ xem xét thư xin việc của bạn bằng cách liên lạc với phòng nhân sự của công ty. Nếu họ không cung cấp tên, hãy ghi thêm vào phần đầu là “Chú ý: Phòng nhân sự”.
2. Không được quên đề cập tới vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Nhiều công ty quảng cáo không chỉ một vị trí trong cùng một thời điểm.
3. Không gửi thư xin việc trước khi cẩn thận rà soát và chỉnh sửa nó lại một vài lượt. Các lỗi ngữ pháp, dấu câu hay chính tả sẽ gây ấn tượng rất không tốt.

4. Không tập trung vào những gì bạn muốn. Trong ví dụ trên, ứng viên nói rằng anh ta nghĩ anh ta sẽ rất yêu thích công việc và thu được kinh nghiệm. Một người chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng của bản thân mình chắc chắn sẽ bị cho là ích kỷ. Vì thế, hãy tập trung vào những giá trị mà bạn có thể mang đến cho công ty như làm tăng doanh thu hay giảm chi phí.

5. Không gửi một lá thư chung chung đại khái. Bạn có thể gây ấn tượng tốt hơn nhiều bằng cách đề cập đến tên công ty và nghiên cứu sơ qua. Như thế bạn có thể nói vài lời “có cánh” về công ty. Bạn cần biết đâu là cái mà công ty vẫn luôn tự hào, như về các sản phẩm được chứng nhận chất lượng cao hay các thành tích của họ. Để làm được việc này, bạn có thể truy cập vào trang web của công ty hoặc tìm kiếm thêm trên mạng, báo chí,…

6. Không tỏ ra tuyệt vọng. Tránh những câu như “Tôi đã gửi rất nhiều thư xin việc mà chẳng nhận được chút hồi âm nào”. Nhà tuyển dụng sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao chẳng có công ty nào khác chịu đả động đến bạn. Hẳn là phải có lý do gì đây.

7. Không thách thức họ nhận bạn. Nhà tuyển dụng sẽ gạt ngay ý định đưa bạn vào công ty nếu bạn nói những điều như “Công ty sẽ thiệt hại nếu không nhận tôi”. Thay vì thế, hãy cho họ thấy tại sao bạn sẽ là một tài sản quý giá của công ty quá những thành tích đã đạt được của bạn.
8. Hãy là người chủ động liên lạc. Nhớ rằng bạn cần họ hơn họ cần bạn, dù sao bạn cũng chưa phải là một ngôi sao. Vì thế đừng “lạnh lùng” tuyên bố: “Hãy gọi cho tôi theo số điện thoại…”. Họ sẽ thấy bạn thật kiêu ngạo và lố bịch.
Hãy nhớ rằng, để tạo được ấn tượng tốt, hãy đối xử với lá thư xin việc của bạn như thể nó là cuộc gặp mặt đầu tiên của bạn với vị sếp tiềm năng. Không nhiều nhà tuyển dụng dành cho bạn cơ hội thứ hai, tức là cuộc phỏng vấn, nếu bạn đã để lại trong họ ấn tượng xấu ngay từ đầu.