Chiến lược ứng phó các câu hỏi phỏng vấn kỳ quặc

“Bạn từng “chôm” một chiếc bút từ công ty mình hay chưa?”, “Anh/ chị sẽ cho tôi bao nhiêu điểm trong vai trò người phỏng vấn?”… là những ví dụ điển hình về các câu hỏi khó và kỳ quặc trong cuộc phỏng vấn.

Ảnh minh họa

Bạn sẽ trả lời ra sao nếu được hỏi những câu như vậy?
Ngày càng có nhiều công ty đặt ra các câu hỏi lạ lùng để thử thách phản xạ và trí thông minh của ứng viên. Do đó, bạn cũng nên chú ý tới những dạng câu hỏi đó trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.
Dưới đây là một số chiến lược giúp bạn ứng phó với bất cứ câu hỏi phỏng vấn kỳ quặc nào:

Không nghi vấn ngược lại về giá trị của câu hỏi
Nếu hỏi ngược lại: “Câu hỏi đó có liên quan gì tới công việc?”, bạn có thể khiến người phỏng vấn mất hứng và có ấn tượng không tốt về bạn.

Nên suy nghĩ trong khoảng 1 phút trước khi trả lời
Hãy hít thở thật sâu và suy nghĩ cẩn thận về câu trả lời. Bạn cũng có thể nhắc lại câu hỏi để chắc chắn mình hiểu đúng.

Không nhắc tới các vấn đề gây tranh cãi hay liên quan tới chính trị trong câu trả lời
Chẳng hạn nếu được hỏi “Bạn muốn loại bỏ bang nào của nước Mỹ?”, đừng trả lời bạn muốn loại bỏ bang California vì có quá nhiều người ở đây theo phe Dân chủ.

Cân nhắc lý do người phỏng vấn đặt ra câu hỏi kỳ quặc
Có thể anh/cô ấy đang muốn kiểm tra khiếu hài hước của bạn và bạn nên đáp lại bằng một câu trả lời vui vui. Hoặc nếu người phỏng vấn hỏi: “Bạn hướng dẫn người khác làm món trứng ốp la như thế nào?”, có thể công việc đòi hỏi bạn phải giải thích khái niệm và các bước thực hiện với người khác. Mỗi câu hỏi đều có lý do của nó, bạn nên chú ý tới từng hoàn cảnh mà đưa ra câu trả lời thích hợp.

Hãy giải thích cách tư duy để đưa ra câu trả lời
Nhiều câu hỏi lạ lùng giúp người phỏng vấn đánh giá cách bạn tư duy, vì thế hãy giải thích cách bạn suy luận thay vì chỉ đưa ra câu trả lời. Chẳng hạn khi đặt câu hỏi: “Bạn cần bao nhiêu phần tư giờ (15 phút) để đi tới đỉnh của tòa nhà Empire State?”, có thể người phỏng vấn không kỳ vọng một đáp án chính xác. Nếu bạn chỉ trả lời “500.000”, bạn sẽ không thể cho người phỏng vấn có cái nhìn rõ ràng về bạn.
Thay vào đó, bạn nên chỉ ra cách bạn suy nghĩ, ví dụ như: “Xếp theo chiều cao, một phần tư giờ bằng khoảng 0,1cm, nên mất khoảng 240 một phần tư giờ để đi được 30cm. Nếu tòa nhà Empire State cao khoảng 426m, ta sẽ mất khoảng 336.000 một phần tư giờ để đi tới đỉnh, không bao gồm chiều cao của ăngten”. Khi trả lời theo cách này, dù đáp án không chính xác, bạn vẫn có thể “ghi điểm” cho quá trình tư duy của mình.

Tập trung vào đặc tính công việc
Tại Trader Joe’s – một cửa hàng thực phẩm, nhà tuyển dụng hỏi ứng viên ở vị trí nhân viên quầy: “Nếu chúng tôi đến nhà bạn ăn tối, bạn sẽ chuẩn bị món gì cho chúng tôi?”. Đây là cơ hội tuyệt vời để ứng viên thể hiện sự hiểu biết của mình về các loại thực phẩm của cửa hàng. Câu trả lời: “Tôi sẽ chọn một vài loại rau tươi và ngon nhất của Trader Joe’s, trong đó có măng tây vì đang vào mùa nấu với thịt gà hữu cơ cùng loại nước xốt chỉ có ở Trade Joe’s” chắc chắn sẽ giúp ứng viên tạo ấn tượng tốt.
Hãy trả lời tương tự trong tình huống của bạn, hướng về công ty và những đặc trưng của công việc.

Không mất bình tĩnh
Amanda Lachapelle, giám đốc nhân sự của Glassdoor – một cộng đồng việc làm, đưa ra lời khuyên: “Câu trả lời kém nhất là câu trả lời cộc lốc không lời giải thích hoặc nói rằng “Tôi không biết”. Khi trả lời những câu hỏi khó, hãy suy nghĩ kỹ, hỏi lại người phỏng vấn cho rõ ràng nếu cần, thể hiện cá tính của bạn và giải thích cách bạn đưa ra câu trả lời.