Bí quyết khi bạn gặp tình huống xấu khi đi phỏng vấn

Bạn thừa biết không nên đến trễ khi phỏng vấn, nhưng vụ va quẹt xe khiến bạn đến trễ? Bạn ăn mặc đẹp để tạo ấn tượng tốt, nhưng cái xe tải đáng ghét đã làm bắn bùn lên khắp áo? Bạn thất vọng và không còn trông chờ gì vào buổi phỏng vấn?

Ảnh minh họa

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên – quả là khó để bảo đảm mọi thứ đều suôn sẻ cho dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Khi rơi vào những tình huống dở khóc dở cười như trên, bạn đừng vội vàng cho rằng mình đã đánh mất cơ hội và lầm lũi bỏ cuộc. Theo chuyên gia tư vấn cấp cao Susan Guarneri, luôn có những cách sáng tạo để vượt qua những tình huống troéo ngoe đó.

Tình huống 1: Bạn đến trễ

Cho dù thật sự bạn bị kẹt xe hay ngủ quên thì bạn luôn có thể nhắm trước tình hình là mình sẽ đến trễ. Bạn cắm cổ cuối đầu chạy thật nhanh đến địa điểm phỏng vấn, mong vớt vát lại chút thời gian…
Thay vì vậy, bạn hãy lập tức gọi điện cho nhà tuyển dụng và báo với họ khoảng thời gian đến trễ. Nhà tuyển dụng sẽ không thấy ác cảm và đỡ mất kiên nhẫn vì chuyện chờ đợi. Khi được sắp xếp vào phỏng vấn, bạn hãy dùng thái độ chân thật thay cho lời xin lỗi và hỏi rõ mình có bao nhiêu thời gian cho buổi phỏng vấn? Thông thường các công ty đều dành khoảng 30-60 phút cho mỗi phần phỏng vấn ứng viên. Nếu bạn đến trễ, bạn mất đi một khoảng thời gian, do đó, hãy hỏi rõ để cả hai bên đều chủ động trong phần hỏi đáp của mình.
Tình huống 2: Bạn quên tập hồ sơ xin việc 
Bạn nộp hồ sơ online và đến ngày hẹn phỏng vấn, bạn đã dặn mình cần phải đem bộ hồ sơ theo phòng hờ nhà tuyển dụng cần đến, thế mà lại quên. 
Tình huống này sẽ dễ xoay trở hơn nhiều nếu bạn luôn lưu trữ phòng hờ CV của mình trên mạng như blog, trang web cá nhân, email hoặc các trang web cho phép người sử dụng upload và lưu trữ thông tin. Bạn có thể dễ dàng tạt qua tiệm net, các quán café wifi, hoặc thậm chí là tại văn phòng công ty tuyển dụng để download và in ra.
Tình huống 3: Quần áo nhem nhuốc 
Dĩ nhiên không phải bạn chọn quần áo lôi thôi để đi phỏng vấn. Nhưng có thể “bộ cánh” sang trọng ban đầu của bạn đã bị bùn văng lấm lem khi chiếc xe tải hay xe buýt trờ qua.
Không có cách giải quyết nào hay hơn là vẫn phải tiếp tục cuộc phỏng vấn và đừng vì thế mà mất đi sự tự tin. Nếu bắt gặp ánh mắt ái ngại khi nhìn bạn, bạn cứ giải thích ngắn gọn và pha một chút dí dỏm – nhà tuyển dụng hẳn nhiên sẽ thông cảm cho bạn.
Tình huống 4: Bạn quên mất tên người phỏng vấn 
Mặc dù đã được nghe phần giới thiệu đầu buổi phỏng vấn, bạn quá hồi hộp và đầu óc trống rỗng hồi nào không hay.
Nếu bạn không ghi chú lại tên, hoặc người phỏng vấn không đeo bảng tên thì bạn cũng đừng bịa đại một cái tên mà mình nhớ manng máng. Hãy sử dụng lối xưng hô chung chung, hoặc khéo léo hỏi xin danh thiếp từng người (thay vì hỏi tên) để giúp bạn “hồi phục trí nhớ”.
Tình huống 5: Người phỏng vấn mất tập trung
Hẳn nhiên đây là “thảm họa” của bạn vì người phỏng vấn sẽ không có sự tập trung cần thiết để đánh giá chính xác ứng viên tiềm năng như bạn.
Nếu đã vận dụng hết mọi cách để thu hút sự chú ý của người phỏng vấn như điều chỉnh giọng điệu, cách nhấn nhá, óc khôi hài… mà vẫn không hiệu quả, bạn nên nghĩ đến việc đề cập thẳng với người phỏng vấn về một cuộc hẹn khác.
Những tình huống bất đắc dĩ thường khiến ứng viên stress tột độ, nhưng nếu bạn vẫn có thể biểu hiện tốt, ấn tượng bạn để lại cho người phỏng vấn là không nhỏ và cơ hội thành công vẫn rất cao.