Con đường lột xác từ một xưởng bia thành thương hiệu nổi tiếng

Hai nhà sáng lập tự tạo ra phân khúc thị trường mới chỉ nhờ một loại bia độc đáo, chất lượng cao. 
Bia Sierra Nevada nổi tiếng vì độ đặc và hương vị đậm đà. Ảnh minh họa.
Con đường nào để biến một xưởng bia gia đình thành một thương hiệu quốc gia?

Đây là câu hỏi mà Ken Grossman – chủ tịch kiêm sáng lập gia hãng bia Sierra Nevada – đề cập trong cuốn sách mới của ông, viết về chặng đường của công ty sản xuất bia Sierra Nevada Brewing Co.
 
Trong cuốn sách, ông giải thích tại sao sự khác biệt, chất lượng và văn hóa công ty đã khiến Sierra Nevada – từ một xưởng bia nhỏ – lột xác trở thành thương hiệu tiếng tăm chỉ trong 20 năm, cho ra thị trường gần 25 triệu gallon bia vào năm 2012.

Khi Sierra Nevada được thành lập vào năm 1980 tại California, Mỹ, thị trường bia nước này đã bị vài thương hiệu lớn chi phối hầu như toàn bộ. 

“Trong kỷ nguyên áp lực và không khoan nhượng trên thị trường bia Mỹ ngày ấy, hẳn rất nhiều công ty nhỏ cảm thấy họ phải thay đổi phong cách để cạnh tranh với những dòng bia có hương vị giống nhau được các công ty nhà nước sản xuất”, Grossman viết.

Không giống như các xưởng sản xuất nhỏ lẻ khác, Grossman và đồng sự – Paul Camusi nhận thấy khó có thể thâm nhập vào một thị trường vốn đã bị thống lĩnh bởi các công ty nhà nước.

Do vậy, thay vì chạy theo số đông và sản xuất một thứ bia loãng và nhạt, họ quyết định tạo sự khác biệt bằng cách tung ra thị trường một loại bia đặc với hương vị đậm đà.

“Chúng tôi biết Sierra Nevada không thể trở thành thương hiệu được mọi người yêu mến nếu chúng tôi không cung cấp loại bia giàu hương vị”, Grossman giải thích. 

Sierra Nevada cũng cẩn trọng trước những sai lầm mà các xưởng địa phương mắc phải.

Ví dụ, rất nhiều xưởng bán bia với hương vị không đồng đều, Grossman chỉ ra. 

Để tránh điều này, ông và cộng sự xác định từ ban đầu rằng họ sẽ không đưa sản phẩm ra thị trường cho đến khi dám chắc hương vị của từng thùng là hoàn toàn đồng đều.

Ông đã dựng lên một phòng thí nghiệm nhỏ nhưng chất lương trong xưởng để kiểm tra nguyên liệu và men bia. 

Họ cùng làm việc vất vả nhiều tiếng trong một ngày. Công việc ủ bia tiêu tốn trọn 3 ngày mỗi tuần, bắt đầu từ 5 giờ sáng để cho ra được 30 thùng, sau đó là 2 ngày để đóng gói. 

Trong thời gian còn lại, Grossman tranh thủ sửa chữa vài thiết bị làm lạnh ông thu lượm được để phục vụ cho quá trình sản xuất.

Mặc dù đã thuê nhiều nhân viên bán thời gian, ông vẫn làm việc 7 tiếng một ngày, ngay cả khi chưa biết sản phẩm có được đón nhận hay không. 

Khi xưởng bắt đầu tuyển dụng một cách nghiêm túc, Grossman cho biết ông xây dựng một mô hình công ty trong đó “ai cũng có tiếng nói”, vận hành trên một “cơ cấu tổ chức vô cùng phẳng”. 

Nói cách khác, công ty không nhấn mạnh nhiều vào chức danh hay vị trí quản lý. 

Những người được thăng chức là những người trực tiếp tham gia sản xuất, và ngay cả sau khi được thăng chức thì họ vẫn “làm việc cả ngày như thường”. 

Hệ thống này đảm bảo những nhân viên đến làm việc cho Sierra Nevada thực sự muốn đầu quân cho công ty và sẵn sàng nỗ lực. 
Nhìn lại thành công của công ty, Grossman khẳng định sự tăng trưởng của Sierra Nevada là “hoàn toàn tự nhiên”. Họ không làm việc với bất cứ công ty quan hệ công chúng hay chi một đồng vào quảng cáo. 

Hai nhà sáng lập tự tạo ra phân khúc thị trường mới chỉ nhờ một loại bia độc đáo, chất lượng cao. 

“Sierra Nevada là một công ty tập trung sản xuất bia từ thuở sơ khai, không phải là một công ty chạy theo thị trường. Chúng tôi ủ thứ bia chúng tôi thích uống, và nó được mọi người hưởng ứng”, Grossman viết.

Theo Business Insider/Bizlive