“Bí kíp” đối phó với khách hàng khó tính

Trong mối quan hệ với khách hàng, bạn thường xuyên gặp phải những vị khách khó tính hoặc rất khó chiều? Đừng nản lòng, những “bí kíp” sau sẽ giúp bạn:

Ảnh minh họa


Mỉm cười
Là cách thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở với khách hàng. Một nụ cười tươi tắn sẽ cho thấy thiện chí và lòng nhiệt tình của bạn với khách hàng.
Trong quá trình tiếp cận khách hàng, hãy giải thích và cung cấp cho khách hàng những thông tin họ cần tìm. Hãy cố gắng giữ thái độ niềm nở, vui vẻ để “ghi điểm” trong mắt khách hàng.

Tạo cảm giác thân mật
Hãy tìm cách xóa khoảng cách giữa bạn và khách hàng, thể hiện vai trò bạn là một chuyên gia tâm lý, một người bạn hay một người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu những nỗi niềm của họ.
Để làm được điều này không dễ, bạn phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, những kỹ năng giao tiếp hoàn hảo và cả những am hiểu về lĩnh vực tâm lý. Những tố chất này sẽ là nền tảng để gây dựng niềm tin từ phía khách hàng với bạn.

Tận dụng lợi thế bản thân
Hãy tận dụng những “điểm cộng” mà bạn có để chinh phục những khách hàng khó tính, ví dụ như vẻ bề ngoài, khả năng diễn thuyết chuyên nghiệp, sự am hiểu trong nhiều lĩnh vực, những chia sẻ về kinh nghiệm hữu ích từ bản thân…
Bằng cách này, khách hàng sẽ nhận thấy ở bạn sự gần gũi, thân mật, từ đó họ sẽ dễ dàng chia sẻ với bạn hơn.

Trả lời thắc mắc đầy đủ
Việc trả lời không đúng trọng tâm điều khách hàng quan tâm tức là bạn đang lảng tránh vấn đề. Điều này khiến bạn đánh mất thiện chí với khách hàng.
Do đó, hãy trả lời chính xác, đầy đủ thắc mắc của khách hàng để họ thấy rằng bạn đang hiểu mối quan tâm của họ. Cuối cùng đừng quên hỏi lại khách hàng xem họ đã thỏa mãn với câu trả lời của bạn chưa.
Để làm được điều này, bạn cần trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết, nắm rõ những luật định, nguyên tắc khi làm việc với khách hàng và đối tác.

Tìm hiểu nguyên nhân
Khi thấy khách hàng khó chịu, hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Mặc dù không dễ chiều lòng hoặc đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, sự lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm của bạn sẽ giúp họ “dịu lại” hơn.

Học cách “phớt lờ”
Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà khách hàng vẫn tỏ vẻ khó chịu, tuyệt đối không nên nổi cáu hay có những biểu hiện tiêu cực hoặc thái độ bất nhã. Bởi làm vậy bạn dễ bị mất khách hàng, có nguy cơ bị trừ lương hay thậm chí bị sa thải.
Lời khuyên dành cho bạn trong trường hợp này là hãy học cách phớt lờ những thái độ không mong muốn đó của khách hàng và kiên trì, bền bỉ thuyết phục, giải thích với khách hàng. Sự nhẫn nại và quyết tâm của bạn chắc chắn sẽ cho kết quả như mong đợi.

Thận trọng trước khi đưa ra quyết định
Trước khi ký hợp đồng với khách hàng, hãy đảm bảo họ đã đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng. Hãy tham vấn ý kiến họ, xem điều gì khiến họ cảm thấy hài lòng đầu tiên, và nếu có thể hãy ưu tiên thực hiện theo ý kiến của họ.
Khi khách hàng có yêu cầu hoặc có những gợi ý trong quá trình thương lượng, bạn hãy kiểm tra và cố gắng tìm giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng, điều này sẽ làm họ thỏa mãn và hài lòng.
Không có điều gì tồi tệ hơn nếu bạn giải quyết công việc một cách phiến diện và thiếu chặt chẽ, điều này sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và chắc chắn không muốn hợp tác với bạn lần thứ hai. Đó là chưa kể bạn sẽ phải gánh những trách nhiệm và hậu quả đối với việc làm thiếu chính xác mà bạn gây ra.

Trung thực
Đây là một trong những yếu tố và phẩm chất rất quan trọng trong kinh doanh cũng như trong hợp tác ký kết. Thiếu trung thực đồng nghĩa bạn đang đánh mất niềm tin từ phía khách hàng dành cho bạn.
Theo thống kê, 59% khách hàng bỏ đi khi đối tác của họ không trung thực trong mọi lời nói và hành động. Ngoài ra hãy nhớ “tiếng dữ đồn xa”, nên nếu không muốn đối mặt với những “vết nhơ” trong công việc thì phải luôn đặt tiêu chí trung thực, thành thật với khách hàng lên hàng đầu.

Luôn nói lời cảm ơn
Ngay cả khi khách hàng gây cho bạn nhiều bực dọc và phiền toái, bạn cũng đừng nên kiệm lời. Hãy nói lời cảm ơn chân thành đến khách hàng vì họ đã quan tâm tới dịch vụ của công ty bạn.