4 quy luật mới để cạnh tranh toàn cầu

Trong cuốn sách điện tử mới mang tiêu đề “Cân nhắc lại: Con đường đến tương lai” (Re-Think: A Path to the Future), cựu CEO của hãng IBM Sam Palmisano từng dự đoán rằng công ty đa quốc gia truyền thống sẽ không còn tồn tại và cuối cùng sẽ bị thay thế bởi một doanh nghiệp tích hợp toàn cầu (viết tắt là GIE).

Cựu CEO của hãng IBM, ông Sam Palmisano

Theo ông Sam Palmisano, những GIE dạng này sẽ phân phối “những hạt giống hảo hạng nhất” về mặt cấu trúc lẫn quản lý bằng cách phân bổ các phòng ban nằm ở những bang khác nhau và các quốc gia khác nhau, nơi sinh sống của các nhân tài.
Những đổi mới trong công nghệ và quy trình quản lý sẽ thúc đẩy sự gắn kết và hợp tác cần thiết, đồng thời sẽ tạo ra các công ty mang tính cạnh tranh cao.
Nhằm lập kế hoạch cho một tương lai hội nhập, ông Sam Palmisano và các chuyên gia kỳ cựu khác đưa ra 4 quy luật thành công mới cho các doanh nghiệp toàn cầu:
1. Đừng để vấn đề kinh tế ngắn hạn và chuyện chính trị lèo lái những kế hoạch tương lai, những “tiếng nổ” này sẽ nhanh đến và qua đi.

2. Hãy tìm kiếm đội ngũ lãnh đạo đa năng và có tư duy đổi mới.
3. Liên kết đối tác với các tổ chức giáo dục đại học nhằm định hình tài năng mà bạn cần.
4. Đầu tư tiền bạc cải cách tổ chức để đáp ứng nhu cầu thay đổi.
Theo công ty quản lý quy trình doanh nghiệp Genpact, việc tìm kiếm các nguồn lực hợp lý, tại địa điểm thích hợp, ngay tại thời điểm chín muồi có thể dẫn đến việc xuất hiện nhiều hơn các nhân viên làm việc bán thời gian, tạm thời và nhân sự nước ngoài. 
Việc này có thể tác động tích cực đáng kể lên chi phí nhân sự, huấn luyện và tổng chi phí. Suy nghĩ này xem ra phù hợp với một khái niệm lâu đời về việc tập trung vào các điểm mạnh cũng như gia công mọi thứ. 
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2012 đã cho thấy rằng mô hình toàn cầu hóa mới đã vượt quá xa hiệu quả chi phí. Các công ty cũng có thể tăng tính linh hoạt, khai thác các khả năng và đổi mới, giành quyền tiếp cận các thị trường mới. Quá trình tự động hóa sẽ tiếp tục tạo ra một số dạng nghề nghiệp mới, tạo ra nhiều loại vị trí mới trong các lĩnh vực nghề nghiệp, chẳng hạn như công nghệ thông tin (IT) và nhân sự (HR). 
Theo khảo sát của LinkedIn, cách đây 5 năm chưa từng có những người như kỹ sư Big Data, nhà phát triển iOS/Android, nhà khoa học dữ liệu, nhà thiết kế UI/UX; các chuyên gia về dịch vụ đám mây và chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số. 
Trong tương lai sẽ xuất hiện thêm một danh sách các công việc mới mẻ mà ngày nay không hề tồn tại. Điều này đòi hỏi các doanh nhân phải đầu tư vào các nguồn lực tại chỗ để chuẩn bị cho các nhân viên hoàn thành tốt công việc của họ.
Trong tương lai gần, các CEO nên có kế hoạch tuyển mộ nhân viên công nghệ và dịch thuật. Các công ty cần một mạng lưới các chuyên gia có sẵn để hỗ trợ trong các cuộc họp hay dịch thuật tài liệu bằng văn bản, hoặc đầu tư vào các ứng dụng dịch vụ giọng nói.
Vòng quay toàn cầu hóa mới khẳng định thêm rằng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của tất cả mọi người. Và như một lẽ của sự phát triển, các công ty sẽ ngày càng cần đến sự phối hợp với các nhân viên, nhà thầu và đối tác vốn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Theo ChiefExecutive/DNSG