Đầu tư BĐS: Tay trái đỡ tay phải

Chẳng những đóng góp đáng kể về mặt doanh thu, mảng kinh doanh “tay trái” của một số doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) còn là ngành truyền thống hoặc mục tiêu đầu tư dài hạn.
Ảnh minh họa
Hơn 15 năm trong lĩnh vực BĐS, Công ty TNHH SX-TM-DV Hai Thành (gọi tắt là Công ty Hai Thành) được biết đến như một trong những DN BĐS sở hữu quỹ đất lớn tại TP.HCM.
Bên cạnh ngành đặt nền móng cho sự hình thành công ty là sản xuất vỏ bình gas, năm 1999, Hai Thành mới mở rộng hoạt động sang lĩnh vực BĐS, cụ thể là đầu tư vào hạng mục cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư (An Lạc, Bình Trị Đông, Phú Lợi, Tên Lửa Residence…).
Dù bước chân sang lĩnh vực địa ốc nhưng Hai Thành vẫn trung thành với nghề truyền thống và hiện đang là nhà cung cấp vỏ bình gas lớn nhất cả nước (lẫn xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan) với hàng chục khách hàng như Sài Gòn Petro, Duy Phát, Cội Nguồn (Origin), Bình Minh Gas, Futagas, Vinape Gas…
Liên quan đến vấn đề này, bà Võ Thị Hồng, Tổng giám đốc Công ty cho biết, mỗi năm, Hai Thành cung ứng cho thị trường bình quân khoảng 500.000 vỏ bình gas các loại và thu về trên 100 tỷ đồng mỗi năm và đây là nguồn thu cố định, đóng góp lớn vào tổng thu nhập của Công ty. DN này còn sản xuất khung nhà thép tiền chế và mới đây là lĩnh vực giáo dục mầm non.
Không riêng gì Hai Thành, một vài DN BĐS lớn và có tên tuổi trong lĩnh vực BĐS cũng có nguồn thu ổn định từ lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Vốn có nguồn gốc từ công ty chuyên phân phối và sản xuất thuốc thú y, nông nghiệp, năm 2007, sau khi tái cấu trúc, Tập đoàn Novaland đã tách bạch hoạt động ở hai lĩnh vực.
Cụ thể, Novaland Group đầu tư vào hàng chục dự án lớn như Sunrise City (tổng vốn đầu tư 500 triệu USD) hay Tropic Garden. Trong khi đó, nhánh kinh doanh thứ hai là Anova Corp., là công ty dẫn đầu trong sản xuất và phân phối thuốc thú y với trên 1.000 đại lý cả nước và xuất khẩu 22 thị trường. Giới kinh doanh địa ốc tại TP.HCM đều nhận định, đây là mảng hỗ trợ đắc lực cho Novaland khi thị trường BĐS rơi vào trì trệ.
Trong khi đó, dù đã trở thành một tập đoàn đa ngành và đầu tư vào nhiều lĩnh vực như khoáng sản, thủy điện, BĐS nhưng Bitexco vẫn duy trì mảng kinh doanh khá ổn định gần 18 năm qua là sản xuất nước khoáng mang thương hiệu Vital.
Năm 1996, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (tiền thân của Tập đoàn Bitexco) là DN đầu tư dây chuyền công nghệ châu Âu để khai thác và sản xuất nước khoáng tại Thái Bình.
Những thống kê về ngành hàng nước uống đóng chai gần đây cho thấy, cùng với Lavie và Vĩnh Hảo, Vital nằm trong nhóm 3 DN dẫn đầu phân khúc nước khoáng đóng chai (theo sau là hơn 20 thương hiệu khác).
Tuy không phát triển theo mô hình đi từ sản xuất mở rộng sang BĐS nhưng SSG, tập đoàn đang có tổng tài sản lên đến 4.700 tỷ đồng, với nhiều dự án tọa lạc trên “đất vàng” (SSG Văn Thánh, SSG Thanh Đa, Saigon Pearl…) cũng đang bắt tay vào những lĩnh vực có tiềm năng bên cạnh BĐS.
Đại hội cổ đông năm 2014 của SSG cho thấy, năm 2013, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đóng góp không nhỏ trong kết quả kinh doanh của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu mảng này đạt 149 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2012 (doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2013 của Tập đoàn là 291,4 tỷ); nâng tổng số lò hơi đang khai thác từ 12 lên 22.
Cũng trong năm vừa qua, các lò hơi này đã cung cấp hơn 170.000 tấn hơi cho thị trường, gấp 4,36 lần năm 2012, Ngoài ra, có 6 dự án lò hơi đang được đầu tư trong giai đoạn này (cung cấp hơi cho Nhà máy sữa Thanh Hóa, Nhà máy sữa Nghệ An, Nhà máy Sữa bột Việt Nam, 2 nhà máy bia Heineken và mở rộng nhà máy sữa Dutch Lady), dự kiến năm 2014 các dự án này sẽ đồng loạt được đưa vào hoạt động. Song song đó, trong năm nay, SSG có kế hoạch triển khai khoảng 5 dự án nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội.
Riêng với Vingroup, ngoài các dự án BĐS nhà ở, văn phòng và thương mại, năm 2011, Tập đoàn đã tham gia vào lĩnh vực y tế khi bệnh viện 5 sao đầu tiên ở Hà Nội đi vào hoạt động. Được biết, khoản đầu tư này của Vingroup được không ít nhà đầu tư ngoại “nhòm ngó”.
Theo đó, năm 2011, Quỹ Vietnam – Oman Investments (VOI, với thành phần các cổ đông bao gồm Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman – SGRF, Quỹ đầu tư Oman, Oman Oil và đại diện phía Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước – SCIC) đã đầu tư vào Bệnh viện Quốc tế VINMEC, đây cũng là một trong ba khoản đầu tư tiêu biểu của VOI tại thị trường Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Phía VOI cho rằng, y tế là lĩnh vực hấp dẫn tại Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Trong khi, ông Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital nhìn nhận, cùng với thực phẩm và giáo dục, y tế là các khoản đầu tư phòng vệ tốt trong thời điểm thị trường BĐS còn nhiều khó khăn.
Điều này chứng minh, để phát triển ngành “tay trái” hiệu quả thì các DN BĐS phải có sự thẩm định kỹ càng và ít nhất, bản thân DN phải có kinh nghiệm cũng như tiềm lực về vốn để duy trì các khoản đầu tư ngoài ngành nghề cốt lõi, bởi để trụ vững trên thị trường, ít nhất, DN cũng phải mất 4 – 5 năm xây dựng nền tảng và đây không phải là “cuộc dạo chơi” của những ai muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng để bù đắp cho những khó khăn của ngành “tay phải”.

Theo DNSG