Các nhà đầu tư bậc thầy khi không thể tìm được một vụ đầu tư phù hợp với tiêu chuẩn của mình, họ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi cho đến khi nào tìm thấy. Các nhà đầu tư thua lỗ lúc nào cũng cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó trên thị trường.
Ảnh minh họa
Chỉ làm việc khi nào thực sự có việc để làm
Đưa khái niệm “kiên nhẫn” vào hệ thống tiêu chuẩn đầu tư là một chiến lược không thể phát huy tác dụng ở Wall Street. Bạn trả tiền cho chuyên gia đầu tư và tin rằng họ sẽ làm việc hết mình để mang lợi nhuận về cho bạn. Nhưng có lẽ đó chỉ là chuyện hoang đường. Trên thực tế, họ chỉ xuất hiện hàng ngày và “làm” một việc gì đó trên sàn giao dịch chứng khoán.
Thu nhập của các nhà phân tích bắt nguồn từ những bản báo cáo họ viết mỗi ngày, mặc dù đôi khi thông tin trong đó chẳng có chút giá trị nào. Các nhà bình luận thị trường lại được trả công để tư vấn và cho ý kiến, mặc dù đôi khi họ phải cố bịa ra một nhận xét nào đó. Các nhà quản lý quỹ được trả công để đầu tư chứ không phải để ngồi chơi bên cạnh đống tiền mặt dù đang rất khan hiếm tại thời điểm đó. Còn tác giả của các bản tin đầu tư phải đưa ra một gợi ý nào đó vì thời hạn phát hành không đợi họ, chứ không nhất thiết là vì họ có nhiều cổ phiếu để đề xuất.
Trong khi đó các nhà đầu tư bậc thầy thì lại khác. Một lần nọ, George Soros đã nói với người bạn của ông, Byron Wien, một nhà chiến lược đầu tư người Mỹ của công ty Morgan Stanley như sau: “Byron, vấn đề của anh là cứ đi làm suốt ngày và anh nghĩ mình nên làm một điều gì đó. Tôi thì không như vậy. Tôi chỉ đi làm vào những ngày nên đi và đúng là tôi có làm vài việc gì đó cần làm vào ngày hôm ấy. Nhưng khi cứ đi làm và làm việc đều đặn mỗi ngày như thế, anh sẽ không nhận ra khi nào mình sẽ có một ngày đặc biệt”.
Những nhà đầu tư lão luyện như Warren Buffett và George Soros không tự ép buộc mình như thế. Không có mệnh lệnh hay tổ chức nào có thể bắt họ làm việc, một khi hệ thống đầu tư của họ cho biết rằng thương vụ đó không hề có triển vọng. Không giống như một nhà quản lý quỹ, họ không mua những cổ phiếu có tính “bảo vệ” (tức là những cổ phiếu thua lỗ ít hơn trên một thị trường đang đi xuống). Họ sẽ không đến văn phòng khi không có việc gì để làm. Buffett đã học hỏi được từ Graham rằng “sẽ có những thời điểm bạn không thể tìm được những khoản lợi nhuận lớn, và đó chính là thời điểm lý tưởng để đi nghỉ mát!”.
Người cộng sự trước kia của Soros, Jimmy Rogers, cũng cho rằng: “Một trong những quy tắc mà bất kỳ ai cũng cần biết về đầu tư là không nên làm gì, hoàn toàn không làm gì cả, trừ khi bạn thật sự có việc gì đó để làm”.
Làm việc theo nguyên tắc của người đi tìm vàng
Nhà đầu tư với các tiêu chuẩn chưa hoàn chỉnh (hoặc hoàn toàn không xây dựng các tiêu chuẩn cho mình) lúc nào cũng cảm thấy cần phải có mặt trên thị trường. Trạng thái chờ đợi khá xa lạ với tâm lý của họ, bởi họ không biết mình đang chờ đợi cái gì. Nếu họ không thường xuyên gọi điện cho nhà môi giới của mình để chỉ đạo mua cái này, bán cái kia, họ sẽ không cảm thấy rằng mình đang đầu tư.
Các nhà đầu tư giỏi giống như những người đi tìm vàng. Họ biết chính xác mình đang tìm kiếm cái gì, họ có ý tưởng khái quát về việc sẽ phải tìm nó ở đâu, họ có trong tay tất cả những công cụ phù hợp và họ kiên trì với công việc tìm kiếm đó. Sau khi tìm thấy quặng vàng, họ sẽ tập trung tất cả công cụ lại và bắt đầu kiểm tra thành tựu của mình.
Theo cách làm này, nhà đầu tư sẽ không bao giờ đặt mình trong trạng thái chờ đợi cả. Để tìm được mỏ vàng, hàng ngày họ phải tìm kiếm những cơ hội mới. Đó là một quá trình liên tục không có điểm dừng.
Trong quá trình tìm kiếm, điều duy nhất có thể khiến họ cảm thấy rối trí là phải cất tiền của mình vào đâu. Thế nên sẽ có những thời điểm mà hệ thống đầu tư báo cho họ biết rằng đã tìm thấy nơi cất tiền an toàn và lúc đó họ phải hành động ngay.
Theo “Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của tỷ phú Warren Buffett và George Soros”/hoclamgiau