Nếu làm việc trong môi trường quá nhiều áp lực, người lao động làm việc không hiệu quả, không thể phát triển nghề nghiệp
“Từ khi đảm nhận vị trí giám đốc điều hành, ngày nào sau 20 giờ tôi mới về đến nhà. Đã vậy, tối tôi còn phải thức đến tận khuya để vạch ra kế hoạch kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực. Thấy tôi đêm nào cũng cặm cụi bên máy tính, vợ luôn phàn nàn vì không biết quan tâm đến gia đình” – anh N.T.P, giám đốc điều hành công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng đóng tại Bình Dương, chia sẻ về công việc của mình.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo “Cân bằng công việc và cuộc sống”
Áp lực cao, hiệu quả thấp
Từng làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty chuyên sản xuất thực phẩm, vì muốn thể hiện năng lực, anh N.T.P quyết định đảm nhận vai trò giám đốc điều hành. “Một tháng đầu làm việc, áp lực công việc khiến tôi luôn mệt mỏi. Tôi vừa phải xây dựng lại nguồn nhân lực vừa phát triển kế hoạch kinh doanh cho công ty. Chỉ vài tháng làm việc, tôi đã sụt cân. Đã vậy, cuối tuần tôi còn không được nghỉ ngơi để đưa con đi đây đó. Cảm giác mệt mỏi chán chường, nhưng tôi không thể chia sẻ cùng vợ con”.
Không chỉ riêng anh P. mà hiện nay rất nhiều người cũng bị áp lực trong công việc. Chị Thanh Thủy, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn quận 1- TPHCM, vừa phải nhập viện cấp cứu vì ngất xỉu trong giờ làm việc. Khi chúng tôi đến thăm, chị buồn bã tâm sự: “Áp lực về doanh số và thị phần khiến đầu óc tôi lúc nào cũng quay cuồng, tính toán. Có đêm, tôi còn ngủ mơ ú ớ phân công công việc cho nhân viên. Và điều không thể nào hiểu nổi là tự nhiên tôi quên mất password của địa chỉ email mà mình đã sử dụng 10 năm nay!”.
62% người lao động bị mất cân bằng
Cuộc sống công nghiệp với nhiều áp lực khiến người lao động (NLĐ) luôn gặp phải tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hậu quả là sức khỏe suy giảm, chất lượng lao động cũng giảm sút. Khảo sát của Caravat.com tiến hành trên 2.000 người trong tháng 8 vừa qua cho thấy chỉ có 27% NLĐ có được sự hài hòa giữa công việc – cuộc sống, trong khi 62% bị mất cân bằng và 11% hoàn toàn không có sự cân bằng.
Cũng theo khảo sát trên, chính sách cân bằng công việc – cuộc sống đã vươn lên tầm quan trọng thứ hai, chỉ đứng sau chế độ lương bổng. Đáng nói, khảo sát cũng cho thấy chính sách liên quan tới cân bằng công việc và cuộc sống tại DN cũng ít được chú trọng. Có đến 66% NLĐ trả lời công ty của họ không có những chính sách liên quan đến sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống để giúp họ giảm bớt áp lực.
Chăm sóc để giữ nhân lực
Tại hội thảo về chính sách cân bằng giữa công việc – cuộc sống do Caravat.com tổ chức mới đây, ông HariHaran Kannan, Phó Tổng Giám đốc nhân sự PepsiCo VN, nhấn mạnh điều quan trọng nhất là công ty phải tạo ra được một hệ thống ghi nhận, theo dõi và đánh giá chặt chẽ các “thỏa thuận” giữa nhân viên và công ty. Tại PepsiCo có chương trình “One simple thing” (một mong muốn đơn giản), theo đó công ty cho phép mỗi nhân viên đề đạt một nguyện vọng cá nhân để giúp họ có thể làm việc hiệu quả hơn như đi làm sớm và về sớm trong các ngày thứ hai, tư, sáu hay một kỳ nghỉ liên tục 2 tuần mỗi năm để hoàn thành khóa học MBA… Một khi đã được thảo luận và đồng ý, các nguyện vọng này sẽ được ghi nhận rõ ràng trong kế hoạch phát triển nhân viên và sẽ được theo dõi, đánh giá thường xuyên chung với kết quả kinh doanh của từng nhân viên.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Group, cho rằng: Lãnh đạo DN nên có chiến lược thể hiện rõ quan điểm về cân bằng công việc – cuộc sống. Cụ thể như xây dựng môi trường làm việc vui vẻ, công bằng để mỗi ngày nhân viên dễ dàng “chọn” việc tới công sở với tâm lý thoải mái và hào hứng nhất. DN cũng cần sâu sát khả năng, nhu cầu phát triển của từng nhân viên để tư vấn cho họ những “lựa chọn” nghề nghiệp phù hợp và có chính sách đào tạo để họ đạt được sự lựa chọn đó.
Giúp nhân viên cân bằng công việc – cuộc sống
– Chủ động giảm giờ làm như hạn chế làm việc ngoài giờ, tăng ca.
– Chăm sóc sức khỏe, tinh thần qua bữa ăn dinh dưỡng miễn phí, tư vấn và khám sức khỏe định kỳ, tập thể dục, hoạt động vui chơi đội nhóm.
– Làm việc linh hoạt: Bán thời gian, làm việc tại nhà, giờ đến và về linh hoạt.
– Có chính sách hỗ trợ nhân viên và gia đình về dịch vụ chăm sóc trẻ em, người già, giải quyết việc vặt cá nhân; bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và gia đình, kỳ nghỉ bắt buộc, nghỉ không lương; nghỉ ốm, ngày nghỉ thưởng theo thâm niên…