Khi chim dậy sớm không bắt được sâu

Việc chăm chăm hoàn thành việc nhỏ sớm hơn cần thiết khiến bạn không làm được việc lớn. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Inc
Khi chính sách “hạn chót” bắt đầu được đưa vào vận hành nơi công sở, những người hay trì hoãn đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ xã hội khi “việc hôm nay lại để ngày mai”.

Nhưng hóa ra, bên cạnh những người hoàn thành việc muộn, nhưng lại có người thích hoàn thành công việc sớm quá mức cần thiết. 

“Xu hướng hoàn thành việc sớm hơn thời hạn đang ngày càng gia tăng”, tờ báo chuyên khoa học tâm lý Psychological Science khẳng định.

Hiện tượng này thể hiện ở một số hành vi như trả lời cả email rác, thanh toán hóa đơn trước thời hạn…

“Đây là một lựa chọn không hợp lý”, tờ báo khẳng định, nhưng nó phản ánh việc mọi người sẵn sàng đánh đổi để tránh cảm giác cập rập trong công việc.

Bài báo trích đăng một thí nghiệm của trường đại học Pennsylvania State, nghiên cứu quá trình đưa ra quyết định trong công việc cần hoạt động tay chân. 

Trong đó, sinh viên được yêu cầu xách một chiếc giỏ xuống đồi. 
Họ được chọn một trong hai cách: Nhặt giỏ gần đỉnh đồi rồi mang xuống chân đồi, hoặc là đi xuống đến gần chân đồi rồi nhặt một chiếc giỏ, đi vài bước nữa rồi đặt xuống chân đồi. 
Hầu hết nhóm nghiên cứu đoán chủ thể sẽ xuống gần chân núi, nhặt một chiếc giỏ đem về. 

Nhưng kết quả cho thấy phần lớn sinh viên chọn cách nhặt giỏ từ gần đỉnh, khiến họ phải xách nó lâu hơn cần thiết. 

Nói cách khác, họ tự mua việc vào thân mà không được lợi lộc gì. 

“Chúng tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra”, ông David Rosenbaum – trưởng nhóm thí nghiệm của trường cho biết. 

“Chúng tôi nghĩ có lẽ mình đã đưa ra hướng dẫn sai”. 

Để xác nhận lại kết quả của cuộc thí nghiệm, đồng thời tìm hiểu rõ hơn hành vi phi lý này, các nhà nghiên cứu tiến hành thêm 8 đợt thí nghiệm nữa. 

Ví dụ, nhiều đồng xu kim loại được bỏ vào giỏ, khiến khối lượng tăng lên, mang vác sẽ mệt hơn. 
Nhưng cuối cùng hầu hết chủ thể vẫn nhặt giỏ gần đỉnh đồi rồi xách xuống. 
Việc chăm chăm hoàn thành việc nhỏ sớm hơn cần thiết khiến bạn không làm được việc lớn. 
Qua các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đi đến giải thiết: Con người có xu hướng cam chịu làm thêm công việc chân tay, đổi lại không bị gánh nặng về tinh thần. 

Cụ thể, ông Rosenbaum cho biết mọi người thường tìm mọi cách để giảm thiểu gánh nặng của “bộ nhớ làm việc”, một nguồn lực trí tuệ cần thiết nhưng rất hạn chế, giúp con người nhớ để thực hiện các nhiệm vụ ngay lập tức. 

Khi nhặt giỏ ngay từ đỉnh đồi, chủ thể sẽ không cần nhớ để nhặt nó lúc sau. 
Thực chất họ đang giải phóng bộ não để có thể tập chung vào các nhiệm vụ khác có thể phát sinh sau này. 
Ứng dụng của nghiên cứu này khá rộng, các nhà nghiên cứu cho biết. 

Nó giúp giải thích hành vi của nhiều nhân viên bị ám ảnh bởi hạn chót, họ luôn giữ hộp thư email trống thư chưa đọc, hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ nhặt ngay khi được giao. 

Tuy nhiên, có nhiều bất lợi khi hoàn thành công việc sớm, nhất là trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, ông Alan Castel – giáo sư tâm lý tại đại học California khẳng định. 

Điện thoại di động, máy tính và các công nghệ khác là những công cụ hữu dụng để con người giải quyết một dòng liên tục các nhiệm vụ, nhưng chúng cũng khiến con người lệ thuộc.

“Bạn có xu hướng bị cuốn vào việc trả lời email hay nhận điện thoại, những việc nhỏ nhặt như vậy tích tụ lại sẽ tốn một nguồn lực khá lớn”, giáo sư Castel khẳng định.

“Những người chăm chăm gạch bỏ các nhiệm vụ vặt khỏi danh sách có cảm giác họ được việc, nhưng thực chất họ được việc ‘nhỏ”, chứ không phải việc ‘to’”, ông nói.

Theo Bizlive