Có một nguyên tắc bất di bất dịch là bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói nếu có sự hiện diện của sếp để không hối tiếc về sau. “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, đó là câu châm ngôn luôn đúng đặc biệt là ở môi trường công sở khi bạn giao tiếp với các sếp. Nếu bạn “lỡ” lời, bạn sẽ không chỉ mất điểm mà còn đánh mất cơ hội thăng tiến.
Ảnh minh họa
Chuyên gia tâm lý Megan chia sẻ: “Suy nghĩ thật kỹ trước khi giao tiếp với sếp là điều cần thiết. Nhưng theo tôi, dù bạn có nói gì thì cũng cần tránh những cụm từ dưới đây, vì tôi biết chắc chắn sếp của bạn không bao giờ muốn nghe”.
1. “Đó không phải việc của tôi”
Câu nói thể hiện rõ bản chất một nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc. Sự thực là bạn không muốn làm điều đó hay công việc đó vượt quá khả năng của bạn? Tuy nhiên, nhà quản lý lại không cần xét đến nguyên do nào khác ngoài việc đánh giá thấp năng lực và sự nhiệt tình của bạn trong công việc. Bạn mất điểm rồi đó!.
Một khi các sếp đã có ý định “nhờ vả” bạn làm việc nào đó có nghĩa là họ đang tạo cơ hội tốt nhất cho bạn bộc lộ tài năng tháo vát, phản ứng nhanh nhạy và năng lực hợp tác của bạn. Nếu vẻn vẹn trả lời bằng câu nói trên, chắc chắn cơ hội lần hai sẽ không bao giờ mỉm cưởi với bạn.
2. “Đừng đổ lỗi cho tôi, đó không phải là lỗi của tôi”
Cùng với câu nói này là bạn cố giấu sai lầm của mình bằng cách đổ tội cho người khác. Trốn tránh trách nhiệm không phải là việc làm thông minh nếu bạn muốn nhanh chóng thành công trong sự nghiệp. Điều đó cũng không giúp bạn thoát khỏi tình trạng lộn xộn, thậm chí còn khiến bạn rơi vào tình trạng rắc rối hơn: sếp không coi trọng, đồng nghiệp tỵ lạnh…
Mọi sai lầm đều là cơ hội tốt để học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Bạn sẽ mất nhiều hơn được khi từ chối cơ hội để hiểu rõ bản thân mình, lỗi lầm của mình. Điều đó chỉ chứng tỏ bạn sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được mà thôi.
Do đó, hãy thẳng thắn và nghiêm khắc nhận lỗi do chính mình gây ra. Việc làm này luôn nhận được sự đánh giá “ngầm” rất cao của sếp cũng như đồng nghiệp.
3. “Rất tiếc, tôi không thể làm được việc này”
Nguyên tắc bất khả kháng: đừng bao giờ nói “không” trước những việc sếp giao phó. Điều đó không có nghĩa là bạn phải lừa dối sếp và chính bản thân mình trong suốt quá trinh làm việc. Nhưng tại thời điểm nào đó, dù chỉ là cái gật đầu đồng ý còn thiếu dứt khoát cũng phần nào mang lại cho bạn những “điểm số” cao. Bởi việc từ chối sạch trơn một ý tưởng mới thường phản ánh sự thiếu sáng tạo của bạn.
Vì vậy, hãy luôn khám phá và thử sức chính năng lực tiềm ẩn trong chính bạn. Làm việc không ngừng nghỉ và hăng say sẽ là động lực để bạn nhanh chóng giải mã được vấn đề.
4. “Tôi đang bận. Anh nên giao việc đó cho chị B.”
Bốn điều không bao giờ nên nói trước mặt sếp là: “Tôi không thể”, “Tôi sẽ không làm”, “Điều đó không thể được”, “Anh/chị nên yêu cầu người khác làm việc đó” hoặc thở khó nhọc và bảo “Anh tự làm đi”.
Những câu phản ứng như trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thậm chí cả vị trí của bạn ở nơi làm việc. Thế nên, khi được giao việc, bạn cũng nên vui vẻ nhận nhiệm vụ và trao đổi lại với cấp trên khi nào thích hợp nếu bạn đang bị quá tải hoặc gặp khó khăn.
5. “Tôi cảm thấy rất chán!”
Bạn không nên nói với sếp rằng đừng giao việc thêm cho bạn nếu không đầu bạn sẽ “nổ tung”. Bạn cũng không nên phàn nàn với sếp về sự buồn chán hoặc công việc của bạn quá tẻ nhạt.
Nếu bạn đang thực sự cảm thấy mệt mỏi và không có sự khuyến khích hay động lực làm việc, hãy chủ động đề nghị bổ sung công việc hoặc tình nguyện tham gia vào một nhiệm vụ nào đó cần sự tập trung hơn.
6. “Tôi sẽ nghỉ việc nếu không tăng lương”
Nếu bạn nói câu này giống như việc bạn đưa ra “tối hậu thư” cho sếp trước khi nghỉ việc. Điều này là vô cùng cấm kị vì nếu như bạn chưa tìm việc mà bạn đã nói câu này thì chắc chắn bạn sẽ là người chiến binh bại trận.
Mặt khác, nếu như bạn cũng đã tìm được công việc mới thì khi rời khỏi công ty vô tình bạn sẽ để lại ấn tượng xấu và sự thất vọng của sếp những người đã từng tin tưởng bạn vị họ sẽ nghĩ bạn đang thách thức và “qua cầu rút ván.
Việc yêu cầu tăng lương phụ thuộc vào chính năng lực của bạn. Đừng quá nôn nóng mà phạm phải những vấn đề nhạy cảm nơi công sở. Nên nhớ rằng mọi nỗ lực của bạn đều đã được ghi nhận, chẳng qua điều đó chưa được công khai mà thôi. Hãy kiên nhẫn làm việc và chờ đợi vì bất kể điều gì cũng đều có giá của nó.
7. “Tôi làm công việc này chỉ vì tiền”
Ông chủ của bạn sẽ không bao giờ muốn nghe rằng động lực duy nhất để bạn làm việc, để bạn bám trụ chính là tiền lương dẫu cho đó là mục đích chính. Sếp sẽ biết điều đó nhưng tốt hơn hết là đừng nói ra. Hãy khôn khéo và thông mình tránh biến mình thành người thực dụng trong mắt sếp.
8. “Tôi không thể làm việc trong điều kiện này được”
Đừng đòi hỏi, hãy học cách chấp nhận và làm quen với điều kiện vật chất của công ty. Có thể sếp của bạn cũng đau đầu về vấn đề này và đang lên kế hoạch thay đổi toàn bộ cục diện. Một nhân viên tốt là nhân viên luôn sát cánh bên sếp, giúp sếp giảm bớt căng thẳng chứ không phải một người suốt ngày la lối và phàn nàn về điều kiện công ty.
9. Bất kỳ một câu nào có từ “nhưng” theo sau
Chẳng hạn “Tôi là một người làm việc theo nhóm, nhưng…” hay “Tôi không có ý phàn nàn, nhưng…”. Từ “nhưng” trong những câu này có ý nghĩa phủ nhận hoàn toàn những gì bạn đã nói trong vế trước. Nếu bạn không muốn phàn nàn, thì sẽ không có từ “nhưng” nào cả. Nếu bạn là một người làm việc theo nhóm, đừng nêu lý do với sếp về việc bạn không hòa đồng với nhóm. Hãy nghĩ kỹ về cách trình bày ý nghĩ của bản thân. Nếu bạn nói những câu tương tự như trên, rất có thể bạn đã nói nhiều lần. Qua nhiều lần, cách nói như vậy sẽ không để lại ấn tượng tốt đẹp với sếp.
10. “Bây giờ đã hết giờ làm việc rồi mà…”
Nếu sếp giao việc cho bạn khi ngày làm việc sắp kết thúc, trong khi bạn lại muốn về nhà đúng giờ; phải làm sao? Trước tiên bạn cần đánh giá mức độ quan trọng của công việc và sau đó hãy quyết định. Nếu công việc quá quan trọng và cần gấp thì bạn nên nhận lời, không nên từ chối. Tuy nhiên, nếu công việc ở nhà cũng không kém quan trọng thì bạn có thể nói với sếp là bạn sẽ hoàn thành công việc vào tối hôm đó và sáng mai sẽ gởi sếp.