Đầu tư chất xám: Nguồn sinh lời dài hạn

Sự kiện Công ty Sữa Việt Nam vừa qua đăng quảng cáo tuyển 10 sinh viên giỏi của trường Đại học Bách khoa để cấp học bổng du học nước ngoài về chuyên ngành chế biến sữa, đã được nhiều người chú ý. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc công ty cho biết, chương trình gửi người đi nước ngoài đào tạo được bắt đầu cách đây 10 năm.

Ảnh minh họa

Đối tượng chủ yếu là con em của cán bộ, công nhân viên trong công ty. Công ty cho rằng, truyền thống gia đình góp phần rất lớn vào tâm huyết và kỹ năng của những học sinh, sinh viên được tuyển, khi ra trường, làm việc, họ sẽ rất gắn bó với doanh nghiệp. Mặt khác, công ty đang rất cần những kỹ sư, thạc sĩ chuyên ngành chế biến sữa, một ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển, nhưng trong nước chưa được đào tạo thật bài bản. Chính vì vậy, gấp rút đào tạo nguồn nhân lực đủ tài để chuẩn bị cho chương trình phát triển nhanh trong những năm sau là rất cần thiết.

Những năm trước, công ty đã đưa 15 sinh viên sang các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ) học về ngành chế biến sữa. Chính sách hỗ trợ của công ty rất cụ thể: sinh viên học tập và tốt nghiệp xuất sắc sẽ được cấp 100% học phí; đạt loại khá được cấp 50% và đạt loại thường chỉ được cấp một phần học phí tượng trưng.

Nhận xét về khả năng làm việc của các sinh viên sau khi về nước, bà Mai Kiều Liên tỏ ý rất hài lòng. Sắp tới, ngành sữa sẽ phát triển mạnh, đồng thời công ty cũng cần khai thác tối đa công suất thiết kế của các nhà máy đã đầu tư như Nhà máy Cần Thơ, Nhà máy Quy Nhơn… Cùng với việc phát triển nhanh đàn bò sữa trong nước, các nhà máy cần khai thác tối đa các chế phẩm từ sữa để mang lại giá trị cao, do vậy rất cần một đội ngũ kỹ thuật giỏi. Trước yêu cầu này, công ty tiếp tục tuyển các sinh viên là con em trong ngành muốn theo học và tuyển thêm nhiều sinh viên giỏi khác để đưa đi đào tạo, cũng cùng với chính sách như trên.

Công ty Sữa Việt Nam không phải là điển hình độc nhất trong việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng rất chú ý đến vấn đề này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung đào tạo nâng cao tay nghề tại chỗ cho công nhân đang trực tiếp sản xuất, gửi một số cán bộ đi học các lớp quản trị kinh doanh để đáp ứng yêu cầu trước mắt. Nhiều công ty như Thuốc lá Sài Gòn, Bia Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Mì Vifon, Mì Thiên Hương, Dệt Thái Tuấn, Bông Bạch Tuyết… đã tạo điều kiện cho công nhân học bổ túc văn hóa, cán bộ quản lý học các lớp quản lý, công nhân đi học nâng cao tay nghề hoặc thuê giáo viên về dạy tại doanh nghiệp…