Muốn đi làm: Thật đơn giản!

Các thông báo tuyển dụng lao động ở Việt Nam thường đòi hỏi: Có hộ khẩu Hà Nội, có xe máy, nữ (tức chỉ tuyển nữ, không tuyển nam), ngoại hình đẹp…Ở Nhật không bao giờ thấy các thông báo tuyển dụng kỳ quặc, phân biệt đối xử như vậy.

Ảnh minh họa

Có lần, khi tôi đến trụ sở quận Shinagawa ở Tokyo, nơi tôi cư trú, để làm một thủ tục giấy tờ, tôi nhìn thấy một người tàn tật đi xe lăn đang làm việc trong quận. Ông ấy hai chân bị liệt, ngồi xe lăn, tự đẩy xe đi lại thoăn thoắt giữa các bàn làm việc, lao đến máy computer để kiểm tra các số liệu gì đó, sau đó ôm chồng giấy tờ đã hoàn thành mang đến giao cho vị khách đang ngồi chờ. Công việc của ông ấy hoàn toàn giống như công việc của các nhân viên lành lặn khác.
Còn kỳ lạ hơn, ở một bàn làm việc khác, tôi nhìn thấy một nhân viên bị liệt mặt, nói ngọng líu ngọng lô, đang giải thích cái gì đó cho một vị khách. Cơ mặt bị liệt một nửa, khiến cho ông ấy nói rất khó khăn, phải vận dụng cả đầu, cổ, vai, mắt, mũi, để hỗ trợ khi nói. Nhưng vị khách ngồi rất nghiêm chỉnh nghe ông ấy giải thích các thủ tục hành chính, sau đó ra về rất vui vẻ. Nhân viên nọ lại tiếp tục chuẩn bị tiếp một vị khách mới.
Tôi tự hỏi ở Việt Nam liệu những người bị tàn tật như vậy có được tuyển dụng vào làm việc ở cơ quan nhà nước như vậy hay không? Hình như ở Việt Nam chưa từng thấy ở trụ sở một phường, hay quận, hay tỉnh, thành phố nào mà có sử dụng người tàn tật để làm việc hành chính như người lành lặn khác.
Các thông báo tuyển dụng lao động ở Việt Nam như thế nào? Người ta thấy đầy rẫy trên báo chí đăng tuyển lao động kiểu như sau: Có hộ khẩu Hà Nội, có nhà Hà Nội, có xe máy, nữ (tức chỉ tuyển nữ, không tuyển nam), hoặc nam (tức chỉ tuyển nam chứ không tuyển nữ), ngoại hình đẹp…
Ở Nhật không bao giờ thấy các thông báo tuyển dụng kỳ quặc, phân biệt đối xử như vậy.
Thứ nhất ở Nhật không thể có chuyện chỉ tuyển nam, không tuyển nữ, hoặc ngược lại, vì như vậy là phân biệt nam nữ, luật pháp cấm điều đó. Không có ngành nào, công việc nào mà nam làm được mà nữ không làm được, hoặc ngược lại. Thư ký giám đốc nam cũng làm được, không phải chỉ có nữ.
Thứ hai ở Nhật không có chuyện người có hộ khẩu Tokyo thì được tuyển, còn người có hộ khẩu Osaka (cách Tokyo khoảng 500km) thì không được tuyển. Nhờ không có Sổ hộ khẩu như ở Việt Nam, việc cắt – nhập hộ khẩu rất đơn giản, không có bất cứ điều kiện gì, ngoài việc điền vào một tờ khai, nên việc tuyển dụng lao động ở Nhật không bao giờ có yêu cầu về hộ khẩu như ở Việt Nam.
Chính nhờ vậy mà thị trường lao động ở Nhật được giải phóng, xóa bỏ được sự phát triển không đồng đều giữa các vùng. Sống ở Tokyo hay Osaka hoàn toàn không khác gì nhau. Tất cả chỉ hoàn toàn tùy thuộc vào có kiếm được việc làm ưng ý hay không.
Ở Nhật lại càng không bao giờ có thông báo chỉ tuyển người có “ngoại hình đẹp”. Thế người có ngoại hình xấu thì không thể có việc làm hay sao? Nếu thế thì ở Nhật, tôi sẽ không thể nhìn thấy 2 nhân viên tàn tật làm việc ở quận Shinagawa như nói ở trên.
Riêng về độ tuổi, thì ở Nhật cũng có giới hạn, điều đó là đương nhiên.
Ở Nhật, nói chung để có được việc làm, phải qua 3 vòng thi, 2 viết, 1 phỏng vấn. Đôi khi 2 phỏng vấn, 1 viết. Một cuộc thi viết về kiến thức chung về xã hội, lịch sử, một cuộc thi viết về chuyên môn, và cuộc phỏng vấn trực tiếp, đại loại như phải trả lời câu hỏi “tại sao anh/chị muốn vào làm việc ở đây?…” Chỉ đơn giản thế thôi.
Như vậy người tàn tật, người không có hộ khẩu, người ở miền xuôi hay miền ngược, ở xa hay gần, ở thành thị hay nông thôn, người ngoại hình xấu, nam hay nữ… đều có thể thi đỗ, và được tuyển dụng.