Nghề “maid”

Những năm gần đây, người nước ngoài đến VN làm việc và sinh sống ngày càng nhiều. Vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động giúp việc nhà cũng gia tăng theo. Thế nhưng, cầu nhiều nhưng cung lại ít.

Ảnh minh họa

Trong tiếng Anh “maid” có nghĩa là người đầy tớ gái, nếu gọi một cách chung chung thì là người giúp việc nhà. Thế nhưng khác với những người làm nghề giúp việc nhà thông thường cho các gia đình ở VN, maid là người ít nhiều phải biết ngoại ngữ và có sức khỏe tốt. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều maid đang làm việc cho người nước ngoài.

Tiêu chuẩn tuyển chọn maid cũng giống như tiêu chuẩn tuyển chọn người lao động làm việc cho người nước ngoài trong các lĩnh vực khác, cụ thể từ 18 tuổi trở lên, thường trú tại VN, có lý lịch rõ ràng. Ngoài ra, nhiều chủ nước ngoài đòi hỏi maid phải có kiến thức về dinh dưỡng, kỹ năng chăm sóc em bé…

Hầu hết những người làm nghề maid là phụ nữ có độ tuổi từ 25 – 45, trình độ học vấn không cao nhưng biết rành ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và giỏi nội trợ. Công việc của họ là phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của chủ tại nhà: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ, lau chùi nhà cửa… với mức thu nhập bình quân 1-2 triệu đồng/tháng.

Chị H. – có 5 năm tuổi nghề làm maid – tâm sự: “Trước đây tôi làm nghề bán dạo, sau đó nhờ một người quen giới thiệu tôi được gia đình ông L. – người Nhật – nhận về giúp việc nhà với mức lương ban đầu 600 ngàn đồng/tháng. Qua 5 năm làm việc chăm lo hết mình cho cháu bé 1 tuổi (con ông bà chủ), tôi được chủ tin tưởng, quý mến nên đã nâng lương lên 1 triệu đồng/tháng”. Chị cho biết, làm maid điều quan trọng hàng đầu là chữ tín, phải thật thà, trung thực thì mới lâu bền.

Thực tế cho thấy nghề maid cũng nhiều trăn trở, vui buồn. Người may mắn thì tìm được chủ tốt và ngược lại nhiều người đã phải giã từ công việc vì bị sỉ nhục, coi thường. Hầu hết các maid đều cho rằng cái khó của nghề này là phải hiểu được ý muốn của chủ, tận tâm với công việc. Thực tế có rất nhiều trường hợp do bất đồng ngôn ngữ, không hiểu ý chủ nên làm sai, làm hỏng việc và bị sa thải là chuyện không hiếm đối với nghề làm maid.

Hiện tại, ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung hầu như chưa có cơ sở nào đào tạo nghề maid một cách bài bản. Vì thế, nhu cầu tuyển lao động nghề này gia tăng nhưng nguồn cung đạt chất lượng lại thiếu.