Sinh viên tốt nghiệp xin được việc đã là một đoạn trường. Nhưng đi làm một thời gian chợt “tia” thấy có chỗ khác ổn hơn, thế là nhảy việc. Hội chứng “đi ở dở dang” của các nhân viên trẻ đang làm đau đầu các giám đốc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“Tôi tiếp nhận cả những người vừa vừa” – Anh Phạm Đình Chinh, Giám đốc sản xuất Công ty Sản xuất phần mềm và tích hợp hệ thống SiS Việt Nam. “Những ngày đầu tiên khi công ty TLC của tôi chưa sáp nhập với SiS, tôi từng rơi vào cảnh mình là giám đốc và cũng là nhân viên duy nhất. Không thể trách cứ người bỏ đi, họ có quyền chọn cho mình công việc khác tốt hơn. Tôi cũng biết có những người đã nhảy qua rất nhiều công ty, đến với tôi chỉ là một cái đích tạm thời trong hành trình, sớm muộn họ cũng đi. Đó là giai đoạn khó khăn nhất. Họ đi hết, tôi đơn độc, chỉ biết lao vào làm việc một mình như con thiêu thân bởi vì tôi vẫn phải tiếp tục con đường của mình.
Hiện nay tôi có 35 nhân viên, và chiến lược của tôi là tiếp nhận cả những người “vừa vừa”, tức là đủ năng lực đáp ứng công việc. Nếu mình yêu cầu những người xuất sắc quá thì vừa phải trả lương rất cao, vừa lo họ nhảy việc”.
“Tạo điều kiện cho nhân viên phát huy sáng tạo” – Chị Thu Hương, Phó giám đốc kinh doanh Công ty PHI. “Khi trong công ty có một người muốn ra đi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là lý do họ rời bỏ tôi. Có thể do nhân viên thay đổi môi trường sống, bị áp lực của gia đình, cũng có khi bản thân người đó muốn thay đổi, muốn khám phá, thử sức. Một nguyên nhân quan trọng khiến nhân viên nhảy việc là doanh nghiệp không có chính sách giữ người tài hoặc doanh nghiệp không phát triển nên nhân viên cũng không có cơ hội thăng tiến.
Để nhân viên giỏi không nhảy việc, tôi luôn áp dụng một cơ chế quản lý lỏng, tạo điều kiện cho họ phát huy sức sáng tạo. Những nhân viên có khả năng thực sự sẽ có thu nhập cao và nhiều cơ hội thăng tiến”.
“Tôi nhanh chóng tìm người thay thế”- Chị Hồng Mai, Giám đốc Công ty Tất Thành và Công ty Hồng Phát. “Tốt nghiệp khoa Văn ĐH Tổng hợp, tôi làm ở phòng kinh doanh của FPT, sau đó đứng ra thành lập công ty riêng. Như vậy là tôi cũng đã chủ động nhảy việc để có cơ hội phát triển. Đó là lúc tôi đã có đủ năng lực để làm một công việc khác đòi hỏi kỹ năng cao hơn hẳn. Nhưng môi trường cũ đã góp phần đào tạo tôi. Nhiều người sau một thời gian làm việc tại công ty tôi bây giờ đã tách ra thành lập công ty riêng hoặc đi học tiếp tại nước ngoài. Tôi rất tự hào bởi công ty mình giống như một trường đào tạo giám đốc. Một số vị trí có thể bị thiếu nhưng không phải không tìm được người thay thế. Thay vì tiếc nuối, tôi nhanh chóng tìm người thay thế”.
“Tôi coi trọng việc đào tạo nhân viên”- Anh Đào Công Luận, Chủ tịch HĐQT Công ty VietPC. “Nhân viên sẽ không rời bỏ công ty hiện tại của mình nếu chưa có nơi nhận (trừ trường hợp ra đi vì lý do cá nhân). Càng những người có năng lực, có nhiệt huyết thì càng có tham vọng được ưu đãi, được đào tạo để có cơ hội thăng tiến và phát huy được hết năng lực. Tôi cho rằng việc đào tạo nhân viên tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa được coi trọng. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là vì thiếu hụt tài chính. Đó cũng là lý do các công ty phải lôi kéo nhân viên của công ty khác, vừa tìm được người có năng lực lại vừa không mất công đào tạo. Thế nên chuyện nhảy việc xảy ra liên tục. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là biện pháp tốt, vì chắc chắn những nhân viên đã nhảy việc thì khó lòng sống chết với công ty mới”.
“Tôi biến công ty thành một gia đình” – Ông Lê Thành, Giám đốc công ty Đầu tư và Xây dựng Hà Nội. “Nhảy việc của nhân viên phổ biến như một phần tất yếu của doanh nghiệp, nhưng tình trạng đó chưa bao giờ xảy ra đối với công ty chúng tôi. Nhân viên của tôi hầu hết đều là những người thân quen. Vì quen thân nên họ không bỏ mình và mình cũng không bỏ họ. Nhưng cũng vì vậy mà công ty phải nuôi cả những người không làm được việc. Biết làm sao được, cái gì cũng có mặt trái cả”.