Bài học lãnh đạo từ Tim Cook – “huyền thoại mới” của Apple

Mặc dù còn có những ý kiến trái chiều sau lễ ra mắt iPhone 6 vừa qua, nhưng Tim Cook đã và đang chứng tỏ mình không phải là một bản sao mờ nhạt của Steve Jobs. Trung thành với những điều độc đáo của công ty, đồng thời thêm vào những giá trị theo cách riêng của mình, Tim Cook đã đem lại những bài học mạnh mẽ với mọi lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay.
Tim Cook
BÀI CÙNG TAGS
Nhà học giả về công nghệ John Dvorak từng dự đoán: “Apple không có Steve Jobs là Sony”. Nhưng khi Tim Cook đảm nhiệm vị trí CEO của Apple, tôi đã có nhìn nhận hoàn toàn khác: “Apple có một nền tảng vững chắc, là công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng và sức mạnh lớn nhất hành tinh. Họ có nền văn hóa độc đáo được Steve Jobs tạo dựng để trường tồn, vì ông biết ngày này chắc chắn sẽ đến”.
Người đồng sáng lập mang tính biểu tượng của Apple đã “truyền đi một cách suy nghĩ mới” ăn sâu vào nền văn hóa của Apple rằng “công ty này có thể tiếp tục tồn tại mà không có Jobs”.
Trong email nội bộ, Cook đã thề trung thành với nền văn hóa đó. Ông viết: “Tôi muốn các bạn tin tưởng rằng Apple sẽ không thay đổi. Tôi trân trọng và đánh giá cao các nguyên tắc và giá trị của Apple. Steve đã xây dựng một công ty và một nền văn hóa không giống với bất kỳ nền văn hóa công ty nào trên thế giới và chúng ta sẽ tiếp tục trung thành với nó – nó đã nằm trong chuỗi DNA của chúng ta”.
Nhưng tôi cũng biết rằng hầu hết thành công phía trước của công ty sẽ “dựa trên CEO mới là Tim Cook cùng ban lãnh đạo công ty Apple” và “bất chấp lời hứa của Cook, mọi việc đang thay đổi. Họ phải thay đổi”.
Cuối cùng mọi thứ cũng thay đổi. Nhưng Cook đã nỗ lực bước trên đường ranh giới giữa việc trung thành với những điều độc đáo của công ty và thêm vào những giá trị theo cách riêng của ông – những cách chính Steve Jobs cũng không bao giờ làm. Và cách điều hành Apple của Tim Cook đã đem lại những bài học mạnh mẽ với mọi lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay. 
Đừng sửa chữa những thứ không hỏng. Nếu có tổ chức nào đó có thể hướng mọi mũi tên đi trúng đích, thì đó là Apple dưới thời Cook. Một thương hiệu có tính biểu tượng. Những sản phẩm liên tục đổi mới. Nền văn hóa công ty khác biệt. Cơ cấu quản lý phẳng và độc đáo. Cook đã cưỡng được mong muốn nhúng tay vào mọi việc không cần thiết và chỉ để lại dấu ấn ở những việc thực sự quan trọng. Ông đã để lại ấn tượng khi hiểu rằng với Apple, ngoài sản phẩm thì khách hàng và nhân viên cũng đóng vai trò rất quan trọng. 
Giữ bình tĩnh và có lòng tin. Khi các nhà phân tích nói rằng công ty đã mất đi năng lực sáng tạo và cổ phiếu đã mất đi 200 tỷ đô la tiền vốn hóa trên thị trường, Cook vẫn không bị nao núng. Thay vào đó, ông thực hiện chương trình mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử, cổ tức đã tăng lên và tỷ lệ phân chia cổ phiếu là 7:1. Và trong tuần lễ ra mắt các sản phẩm iPhone 6, Apple Watch và Apple Pay, chúng ta sẽ thấy kết quả của sự kiên nhẫn và lòng tin của đội ngũ của ông. 
Đừng cố trở thành người khác. Nếu từng có mong muốn ganh đua để trở thành một người vĩ đại, thì Cook là người có thể cảm nhận được rõ nhất. Mọi người và cả những người anh em của ông đều muốn giống như Steve Jobs. Nhưng Cook không như vậy. Sự thật là mọi người không phải là tắc kè hoa. Nếu bạn cố thay đổi con người mình, thì bạn sẽ hành xử giống như người có vấn đề về thần kinh. Và cách đó sẽ không hiệu quả.
Bạn có thể tử tế và cạnh tranh. Cook có lẽ thân thiện với Wall Street và giới truyền thông hơn, nhưng chắc chắn ông sẽ vẫn giữ tính cách của một quý ông phương Nam, và không dễ bị dụ dỗ. Khi người phụ trách hệ điều hành iOS Scott Forstall trở nên bất lợi với nhóm lãnh đạo, Cook đã sa thải ông ta. Và ông tiếp tục cuộc chiến sát sao về mặt pháp lý và trên thương trường với các đối thủ như Samsung và Google.
Đánh cược một cách mạo hiểm mà thông minh. Hai trong số trạng thái thất bại thường thấy ở các CEO của các công ty thành công lớn là ngủ quên trên chiến thắng và ngừng mạo hiểm hoặc có những chiến lược mạo hiểm ngu ngốc như đại hợp nhất. Cook đã không làm theo những cách trên. Ông thuê các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang như Paul Deneve – CEO của Yves St. Laurent và Angela Ahrendts – CEO của Burberry để truyền những hiểu biết phi công nghệ của họ vào sản phẩm đồng hồ smartwatch của Apple và hoạt động bán lẻ. 
Lời nói đi đôi với việc làm. Khi cổ phiếu chạm đáy, Cook đã chọn để mất 1/3 số tiền đền bù dựa trên cổ phiếu – chiếm gần như tất cả số tiền đền bù của ông – nếu cổ phiếu của Apple kém hơn so với S&P 500. Đúng là ông đã thực sự đặt 130 triệu đô la thu được trong suốt 8 năm qua vào thế mong manh. Không sinh lời và không lời giải thích.
Mặc dù Tim Cook đã làm nhiều việc để tạo ra sự khác biệt kể từ khi gia nhập Apple với chức danh giám đốc điều hành 16 năm trước, các hành động của ông đã cho thấy ông là một nhà lãnh đạo vượt trội, tương xứng với thách thức của vị trí này và giúp ông trở thành tấm gương với những người khác. Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ ông.

Theo Entrepreneur/hoclamgiau