Bạn có thể tưởng tượng được rằng Apple hé lộ với giới báo chí về chiếc đồng hồ Apple Watch thông qua một bài thuyết trình WebEx, GoToMeeting và Join.me? Tất nhiên là không! Không gì có thể thực sự hiệu quả hơn một cuộc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Nhưng làm thế nào để bạn chinh phục họ ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy?
Ảnh minh họa
Các cuộc gặp gỡ trực tiếp cho phép người bán hàng thu thập thông tin bối cảnh về người mua, những điều tinh tế như ngôn ngữ cơ thể, các sắc thái chính trị có lợi cho chiến dịch bán hàng. Các khách hàng tương lai lại thấy rằng đội bán hàng thực sự có năng lực và là những người chuyên nghiệp, có thể giúp người mua nghĩ thông suốt và giải quyết ngay vấn đề.
Dưới đây là 7 bí quyết giúp bạn có được cuộc gặp trực tiếp hoàn hảo nhất với khách hàng tiềm năng.
1. Hãy theo dõi và chuẩn bị. Nếu đến phòng họp vài phút trước giờ gặp, bạn sẽ thấy có điều gì đó hỏng hóc. Đó là lý do tại sao bạn cần chuẩn bị máy chiếu của mình và thiết bị mobile WiFi. Đây là những việc thường gặp trục trặc ở giai đoạn này, vậy hãy chuẩn bị cho những rủi ro.
2. Quy ước về sử dụng thiết bị điện tử. Tắt hẳn điện thoại của bạn. Không để ở chế độ yên lặng. Nếu bạn ghi chép trên máy tính bảng, hãy tắt âm thanh bàn phím. Bất cứ ai đang thuyết trình đều cần đảm bảo rằng đã tắt nút thông báo email. Bạn sẽ rất dễ bị phân tâm khi thông báo email cắt ngang bài thuyết trình của mình.
3. Cung cấp tài liệu tham khảo. Khởi động cuộc gặp gỡ bằng cách nói với khán giả chính xác những điều họ sẽ thu được. Hãy hứa với họ rằng bạn đã sắp xếp chương trình theo cách tối đa hóa thời gian của họ và rằng bạn sẽ kết thúc việc trình bày tài liệu sớm hơn 15 phút. Hãy nói rằng bạn cảm thấy vui mừng trả lời mọi câu hỏi thêm của họ. Lúc nào bạn cũng sẽ thấy nhiều người tham dự dành nhiều thời gian hơn cho phần hỏi đáp.
4. Kiểm soát phần giới thiệu. Nếu có lượng lớn khán giả, hãy tránh giới thiệu tuần tự theo vòng tròn. Việc này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian quý giá của bạn. Hãy truyền tay một tờ giấy để mọi người tự điền thông tin mà bạn cần. Ngoài ra, bạn cũng cần có khả năng phán đoán về những người đại diện. Hãy nhớ rằng nhóm khách mua hàng thường đã quen biết lẫn nhau.
5. Cắt giảm những thứ không cần thiết. Đừng mở đầu bài thuyết trình với một slide có nội dung như Lịch sử phát triển hay Chúng tôi là ai hoặc Tầm nhìn của chúng tôi. Giới thiệu theo cách này chắc chắn bạn sẽ mất khán giản. Họ đã biết đủ thông tin như vậy và giờ họ muốn biết bạn sẽ cung cấp những gì chứ không phải là công ty bạn.
6. Nói một cách xác thực. Những thứ bạn cung cấp cần phải có căn cứ. Hãy nói về nó trong phạm vi của giải pháp rộng lớn hơn. Hãy thật minh bạch về điểm mạnh và các cơ hội cải tiến những thứ bạn cung cấp. Gợi ý sẵn sàng hợp tác để lấp đầy những khoảng trống mà hai bên cùng nhận ra.
7. Tìm người có ảnh hưởng. Bạn sẽ nhiều lần thấy rằng những tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong nhóm người mua lại không có vị trí tương đương trong sơ đồ tổ chức. Đây là một ví dụ kinh điển về quyền lực phân cấp và quyền lực ảnh hưởng. Hãy đảm bảo bạn đã nhìn khắp phòng để phát hiện ra những người như vậy. Họ có thể âm thầm gây tổn hại hoặc trợ giúp các nỗ lực của bạn.
Có được cuộc gặp gỡ thuyết trình đầu tiên đòi hỏi nhiều nỗ lực. Vì vậy đừng thổi bay cơ hội duy nhất của bạn để tạo được ấn tượng ban đầu vững chắc. Sự chuẩn bị, các quy ước và sự gắn kết chân thực với khán giả sẽ là con Át chủ bài giúp bạn có được cuộc gặp gỡ thứ hai.
Theo Entrepreneur/DNSG