Cách đây hơn 40 năm, từ một xưởng sản xuất bút viết của cha ông để lại, Manfred Lamy đã xây dựng được một doanh nghiệp rất nổi tiếng với những chiếc bút nhãn hiệu Lamy lừng danh.
Ảnh minh họa
Lamy trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới về văn phòng phẩm. Hiện nay ở các nước Tây Âu, Mỹ, Nhật có tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người sử dụng những chiếc bút viết này.
Mỗi năm công ty Lamy sản xuất và tung ra thị trường hơn 6 triệu chiếc bút viết khác nhau, chủ yếu là các loại bút mực, bút bi. Loại bút Lamy rẻ nhất dùng cho học sinh cũng có giá tối thiểu 5-6 USD. Còn phần lớn các loại bút viết khác mang tên Lamy đều có giá từ vài chục đến hàng trăm đô la Mỹ. Chỉ có mỗi sản phẩm bút viết mà doanh số bán hàng của công ty Lamy đạt tới hơn 60 triệu đôla Mỹ mỗi năm.
Công ty Lamy được cha của Manfred Lamy là Josef Lamy, đã nhiều năm làm thuê cho hãng sản xuất bút viết nổi tiếng của Mỹ là hãng Paker, thành lập từ năm 1930 tại Heidelberg.
Manfred Lamy năm nay vừa đúng 70 tuổi và đã tiếp quản công ty Lamy của cha ông năm 1962, lúc mới 26 tuổi, vừa mới bảo vệ xong tấm bằng tiến sĩ kinh tế và cũng vừa mới cưới vợ. Lúc này công ty Lamy của cha ông đang ở trong giai đoạn rất khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Chẳng phải mất công lâu, ông tiến sĩ kinh tế đã nhận thấy rất nhanh nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó khăn của công ty là vấn đề thương hiệu.
Cái tên Lamy chẳng nói lên điều gì, không ai biết đến nó vì đơn giản nó chưa phải là một thương hiệu. Và đây chính là điều mà Manfred Lamy day dứt nhất. Ông quyết tâm xây dựng lại công ty. Ông không còn muốn chỉ sản xuất ra những chiếc bút viết “no-name” rẻ tiền cho dù chất lượng cũng không đến nỗi nào. Nhưng chiếc bút mực và bút bi do Lamy sản xuất phải để lại một dấu ấn trong khách hàng.
Nếu không hoàn toàn vượt trội so với các sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh thì chắc chắn nó phải có gì đó thật khác biệt. Đó chính là triết lý kinh doanh của ông chủ trẻ Manfred Lamy.
Design sẽ làm tăng giá trị sử dụng
Manfred Lamy đã sớm nhận ra rằng giá trị sử dụng của cây bút viết không chỉ ở mỗi công dụng viết. Ông cho rằng với những hình thức, kiểu dáng độc đáo thì mỗi chiếc bút viết sẽ được tăng giá trị sử dụng đáng kể. Chính vì vậy mà Manfred Lamy đã rất quan tâm tới việc định hình kiểu dáng cho những cây bút Lamy.
Gu thưởng thức nghệ thuật của ông theo trường phái hiện đại, hình thức có vẻ đơn giản nhưng ấn tượng bởi sự thanh thoát và mạnh mẽ. Chính vì vậy, Manfred Lamy tìm kiếm cho những cây bút mực hay bút bi một phong cách riêng mang đậm dấu ấn của nghệ thuật. Đích thân Manfred Lamy tự đi tìm tòi các phong cách kiểu dáng mà ông đặc biệt “kết’ với gu design của những công ty như Olivetti, Braun hay Citroen.
Rồi Manfred Lamy gặp được nhà thiết kế Gerd Muller, người đã nhiều năm cộng tác với công ty Braun và đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm mà Manfred Lamy cho rằng rất hợp với gu nghệ thuật của ông. Manfred Lamy và Muller đã nhanh chóng tỏ ra rất tâm hợp ý đầu.
Năm 1966, kiểu mẫu của bút viết Lamy 2000 do Muller thiết kế đã ra đời. Sự xuất hiện của Lamy 2000 về mặt design được coi là sự thách đố truyền thống cũ, là một cuộc cách mạng nhỏ trong thị trường các sản phẩm bút viết cao cấp. Khác với các loại bút kinh điển đã chế ngự nhiều năm trước đó, Lamy 2000 không hề có viền vàng hay nạm vàng. Manfred Lamy chỉ sản xuất bằng thép không gỉ, loại tốt nhất.
Điểm đặc biệt nữa là Lamy 2000 có kiểu dáng rất đơn giản như không thể đơn giản hơn nữa. Hình dáng chiếc bút dài hợp lý thể hiện sự mạnh mẽ mà không nặng nề. Nhìn kỹ, khi cầm bút lên tay thì người ta lại thấy rõ sự sang trọng của cây bút bởi sự tinh xảo, hoàn hảo của người thợ cơ khí đã mài bóng chiếc vỏ bút.
Dòng bút Lamy 2000 đã chinh phục nhanh chóng thị trường của những người có thu nhập khá trở lên. Bút Lamy với những tính năng hoàn hảo đã đến với những người thường xuyên phải dùng bút, không chỉ ký tên đơn thuần. Đây chính là một thắng lợi rất lớn của bút viết Lamy và ông chủ Manfred Lamy. Cả một serie các sản phẩm ăn theo Lamy đã được ra đời như bút bi, bút chì, mực viết, ruột bút bi…
Cho đến nay, năm 2006, Manfred Lamy kỷ niệm 40 năm ra đời của dòng bút viết Lamy 2000 nổi tiếng, nhưng loại bút này không hề bị lạc hậu và đã bán được hơn 2 triệu chiếc từ khi xuất hiện lần đầu tiên.
Triết lý về thương hiệu của Manfred Lamy rất hiện đại. Theo ông thương hiệu không chỉ nằm ở mỗi sản phẩm mà nằm ở cả công ty, ở cơ sở sản xuất, ở từng công đoạn, công nghệ quy trình sản xuất. Để có được một thương hiệu bút viết Lamy, Manfred Lamy đã phải dày công và rất tỉ mỉ xây dựng, thực hiện một chiến lược thương hiệu rất bài bản và cả tốn kém.
Xây dựng thương hiệu không chỉ ở sản phẩm
Hình ảnh của thương hiệu của Lamy phải được thể hiện trước hết cả ở phong cách hình dáng của tòa nhà công ty Lamy. Hơn thế nữa, nội thất, trang trí bên trong của công ty phải mang phong cách rất đặc thù riêng nhằm tôn lên giá trị của cả thương hiệu Lamy.
Và đây lại chính là một điều đem lại thành công cho Lamy. Ông chủ Manfred Lamy đã nhiều lần khẳng định vấn đề design không chỉ cần thiết cho mỗi sản phẩm mà còn cho tất cả các bộ phận cần thiết đi theo nó. Chính vì vậy, khách hàng nào cũng ấn tượng khi nhìn thấy những vỏ hộp bút, bao bì, tờ rơi quảng cáo của Lamy cũng mang phong cách rất “Vị nghệ thuật” của ông chủ Manfred Lamy.
Tất cả mọi khách đến thăm công ty đều rất ngạc nhiên và thú vị như khi tham quan một nhà bảo tàng nghệ thuật nhỏ. Những chiếc ghế ngồi của 4.000 nhân viên, kể cả ghế trong nhà ăn trưa đều là loại ghế design, được thiết kế và sản xuất riêng theo đơn đặt hàng. Sự bố trí hoàn hảo và công phu ánh sáng, hệ thống đèn, các bức tranh nghệ thuật treo rất nhiều nơi đã chứng minh quan điểm xây dựng thương hiệu mang đậm tính nghệ thuật của ông chủ Manfred Lamy.
Không chỉ có mỗi mình Manfred Lamy mà tất cả các nhân viên của ông đều rất tự hào về công ty, tự hào về hình ảnh thể hiện cũng như các giá trị của công ty. Đó chính là thương hiệu, là cách mà Manfred Lamy đã xây dựng rất thành công thương hiệu cho mình và các sản phẩm bút viết Lamy lừng danh của ông.
Sản phẩm của Lamy luôn được hoàn thiện theo mọi nhu cầu của khách hàng. Công nghệ sản xuất bút ngày càng hiện đại hơn, sản phẩm càng tốt và tinh xảo hơn. Từ lá thép không gỉ để trở thành chiếc vỏ bút máy Lamy nổi tiếng phải trải qua 20 công đoạn sản xuất khác nhau trước khi được mài giũa, đánh bóng tỉ mỉ bằng tay.
Manfred Lamy đặc biệt chú ý cải tiến các loại mực viết, mực bút bi sao cho tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Chỉ là bút viết thôi nhưng Manfred Lamy có tới hơn 300 đầu mặt hàng khác nhau, cung cấp bút viết và phụ kiện kèm theo tại thị trường của hơn 60 nước trên thế giới.
Sau hơn 40 năm làm việc miệt mài và xây dựng được một thương hiệu lớn cho một sản phẩm nhỏ, Manfred Lamy quyết định sẽ thôi làm Tổng Giám đốc điều hành công ty Lamy. Người kế tục xứng đáng là Berndard Roesner, một chuyên gia marketing đồng thời có những quan điểm rất hợp với văn hóa Lamy và gu nghệ thuật của ông chủ. Công ty Lamy vẫn thuộc hoàn toàn về gia đình Lamy do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.