Vẫn là câu chuyện con ốc vít, cái sạc pin.v.v…mà Việt Nam được cho là không làm nổi. Xu hướng tự chê theo đám đông một chiều trên thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ của nước Việt còn kém phát triển, nhiều khi là đúng và rất đúng. Tuy nhiên trong câu chuyện con ốc vít và cái sạc pin…, chúng ta thay vì cực đoan theo hướng “tự sướng” thì giờ lại ngã sang cực đoan theo hướng tự chê.
Ảnh minh họa
Hiệu ứng “dìm hàng”…theo bầy đàn
Chỉ từ một thông tin liên quan đến Samsung, rằng doanh nghiệp này đưa ra danh sách trên 170 linh, phụ kiện cần Việt Nam gia công, cung cấp nhưng cuối cùng không có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được, thế là một số tờ báo tung lên thành bài có vấn đề lớn, và kéo theo tiếp đó là những lời chê bai, tự “dìm hàng” theo bầy đàn mà thiếu sự phân tích, mổ xẻ sâu hơn.
Mỗi cá nhân, mỗi tập thể và thậm chí mỗi quốc gia cần biết tự chê và tự phê để thay đổi. Nhưng cái kiểu tự “dìm hàng” từ những thông tin rất chung chung do Samsung hay bất cứ tập đoàn nước ngoài nào đưa ra thì xem ra lại quá hồ đồ. Đã có những ý kiến đặt vấn đề khá sâu: Đành rằng năng lực ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất yếu nhưng cũng phải hỏi rằng liệu Samsung, Nokia, Canon, HP hay Intel.v.v…khi đặt nhà máy tại Việt Nam đã thực sự muốn chia sẻ các đơn hàng cung ứng linh phụ kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hay chưa?
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm khi tập đoàn HP đã được hưởng một chính sách ưu đãi hậu hĩnh khi quyết định đầu tư vào nơi này. Nhưng hơn 10 năm trôi qua, những dự án mà ngày trước HP cho rằng sẽ đầu tư vào SHTP hiện có được những gì? Dư luận nhiều năm qua đã xôn xao rất nhiều về trường hợp này của HP, rằng chẳng qua tập đoàn này chỉ làm “cai đầu dài” dẫn dắt các doanh nghiệp vệ tinh (là đối tác sản xuất và cung cấp linh, phụ kiện cho HP) đầu tư vào để thu lợi cho chính mình với việc được hưởng ưu đãi hậu hĩnh.
Quay lại trường hợp Samsung, theo một chuyên gia, khi tập đoàn này công bố đầu tư hàng tỉ USD vào Bắc Ninh hay Thái Nguyên thì các doanh nghiệp vệ tinh đi cùng chuyên sản xuất và cung cấp các linh phụ kiện cũng “vào theo”. Những đối tác này thường đi theo Samsung trong bước đường đầu tư trên khắp thế giới vì thế có mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung đi tới đâu họ cũng có thể đi theo và có thể xây dựng ngay nhà xưởng để sản xuất và cung ứng linh phụ kiện mà Samsung cần thay vì Samsung phải mất thời gian khảo sát năng lực hay cò kè đơn giá như phải làm đối với đối tác mới là các doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp tại những nước sở tại.
Hãy thôi tự “dìm hàng”, mà nên cất công “mài sắt…”
Người Việt chúng ta hay lấy những niềm tin ngây thơ và những cách tính ngây ngô ra để tự chê bai và “dìm hàng” mình.
Vậy danh sách hơn 170 linh phụ kiện do Samsung có nhu cầu cũng chính là “nồi cơm” của các doanh nghiệp vệ tinh đi theo, liệu có dễ để Samsung xén ngay đưa cho doanh nghiệp Việt Nam? Hoặc nếu có chìa ra cho doanh nghiệp Việt Nam thì mức đơn giá cũng không dễ có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng nổi. Doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm sản xuất, sản lượng lại hạn chế so với đối tác sản xuất toàn cầu của Samsung, thì giá thành cũng sẽ đội lên.
Về cơ bản để có thể sản xuất và cung cấp được linh phụ kiện cho các “ông lớn” thì phải thực sự có năng lực. Nhưng nên nhớ rằng trên thế giới này không ít doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất các loại linh phụ kiện cho Samsung nhưng chỉ có một số ít trong đó trở thành đối tác cung ứng. Vậy đằng sau yếu tố năng lực vẫn còn nhiều vấn đề khác cần đáp ứng mới có thể vào được guồng cung ứng toàn cầu phụ kiện cho Samsung. Vì thế càng không dễ có chuyện tính toán một cách đơn giản rằng mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc sạc, mỗi chiếc sạc lãi sơ sơ 0,5USD, tính ra nếu đáp ứng được thì mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam có thể bỏ túi 200 triệu USD (?).
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp người Việt chúng ta hay lấy những niềm tin ngây thơ và những cách tính ngây ngô ra để tự chê bai và “dìm hàng” chính mình mà quên rằng các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam thì chính bản thân họ cũng cần có bè, có cạ trong làm ăn. Bởi đi chung một cạ như thế khi đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo nên gói đầu tư giá trị lớn giúp cho Samsung hay các tập đoàn khác có thể có mức ưu đãi cao hơn bình thường.
“Mài sắt” sẽ “nên kim”
Câu chuyện cần xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ trước hay cần phát triển ngành sản xuất công nghiệp trước cũng giống như sự lẩn quẩn và bế tắc trong việc lí giải quả trứng có trước hay con gà có trước vậy. Và càng tìm cách để trả lời hay lí giải cho vấn đề này thì lại càng sa vào bế tắc.
Đa phần các bài học khởi nghiệp về công nghệ đều là sự tự mày mò, tìm tòi và phát triển từ qui mô nhỏ cho đến lớn hơn. Thậm chí việc phải tự làm phần lớn như đi ngược lại trào lưu chung của thế giới ngày nay là phân công lao động cao độ và tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng nên nhớ rằng, các nước phát triển đi đến chuỗi cung ứng toàn cầu và phân công lao động cao vì họ đã phát triển sản xuất công nghiệp ở trình độ cao. Còn Việt Nam thì ngược lại, khi chưa biết gì thì phải tự mày mò để tích lũy kinh nghiệm và tiếp thu kĩ thuật mới.
Chịu đầu tư cũng chỉ là điều kiện cần, còn sự kiên đinh trong đầu tư nghiên cứu mới là điều kiện đủ. Những doanh nghiệp lớn như FPT có đến 26 năm tuổi nhưng không tạo ra được sản phẩm sáng tạo thực thụ nào chỉ vì thiếu sự đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) đến nơi đến chốn. Chịu đầu tư và thương mại hóa như VNG nhưng lại thiếu kiên định và nhẫn nại vì thế nhánh thương mại điện tử www.123.vn bị đem bán cho FPT…Nên nhớ rằng, trường hợp www.123.vnkhông hẳn là do đầu tư sai mà đúng hơn là cách đi chưa đúng.
Tham chiếu một trường hợp khác là nhánh sản xuất phần cứng mà cụ thể hơn là bộ phận SmartHome của Bkav. Năm 2003 nhánh này bắt đầu làm mảng thiết bị gia dụng thông minh, đến năm 2005 có sản phẩm thương mại. Từ nền móng này, Bkav tiếp tục đầu tư vào giải pháp SmartHome hoàn chỉnh và toàn diện từ năm 2008 và phải sau 5 năm đốt hết bao nhân lực tài lực mới có thể “bước ra ánh sáng” thương mại hóa sản phẩm phần cứng và giải pháp từ cuối năm 2013. Nếu ai có dịp đến Times City (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TPHCM) tham quan showroom và nhà mẫu SmartHome sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng từ từng món phụ kiện nhỏ nhất đến món linh kiện quan trọng nhất là con chip đều do đội ngũ kĩ sư Việt Nam tự thiết kế và gần như hoàn toàn làm chủ việc sản xuất.
Cách phát triển SmartHome phảng phất một chút triết lí của Steve Jobs khi làm iPhone là không thỏa hiệp với sự dễ dàng và thiếu chuẩn mực. Vì thế mới có tình huống không ít khách tham quan showroom hay nhà mẫu SmartHome bất ngờ đặt câu hỏi “thiết bị SmartHome này nhập từ nước nào?”. Câu hỏi đó có lẽ cũng là một kết quả khá ngọt ngào của một quá trình cất công “mài sắt”.
Theo dân trí