Cái gì sai cũng có thể sửa, quan trọng là người mắc lỗi sửa thế nào mà thôi. Hãy học cách sửa sai trong công việc qua những lỗi lầm rất điển hình dưới đây.
Ảnh minh họa
Không đúng hạn
Dù đã cố gắng hết sức nhưng bạn vẫn không thể hoàn thành đúng hạn việc sếp giao. Chuyện chậm trễ này đâu phải chỉ của mình bạn. Đừng vội nản chí cho rằng mình không đủ năng lực mà hãy xem lại việc quản lý quỹ thời gian của bạn đã hợp lý chưa và liệu bạn có ôm đồm quá nhiều việc không.
Nếu thấy quá tải thì tốt nhất là lên tiếng xin sếp giảm bớt lượng công việc hay gia thêm thời hạn. Bạn có thể rất ngại nhưng để “giữ thể diện” về sau thì đây là điều không thể không nói.
Xích mích với đồng nghiệp
Việc phê bình trong công việc không có nghĩa là đồng nghiệp đang chĩa mũi tên về phía bạn. Tốt nhất trong công ty, hãy tìm cho mình một chỗ đứng trung lập thay vì ủng hộ bên này, khiêu chiến phe kia.
Nhiệm vụ của bạn là trình vấn đề xích mích lên sếp và xem những xung đột trong nhóm sẽ ảnh hưởng thế nào tới năng suất công việc. Với “anh em” bạn sẽ không phải là kẻ hớt lẻo và với sếp bạn sẽ được tiếng là nhân viên có tình thần xây dựng cao.
Lỡ hẹn
Không phải lúc nào mọi việc cũng xuôi chèo mát mái. Bởi thế nên chuyện không kịp giao hàng cho khách là khó tránh. Không gì có thể xoa dịu tức giận phía khách hàng bằng sự chân thành của bạn và thay vì giấu giếm hãy cho khách hàng của bạn biết quy trình làm việc và tất cả những nỗ lực có thể để giải quyết vấn đề của bạn. Nếu có cơ hội hợp tác lần sau, hãy khiến họ phải ngạc nhiên vì chất lượng hàng hóa và dịch vụ tuyệt vời của bạn để lấy lại uy tín cho mình và công ty.
Trốn tránh trách nhiệm
Nếu suốt ngày bạn nói lời xin lỗi thì người khác khó có thể đặt niềm tin vào bạn. Nhưng nếu loanh quanh không thẳng thắn nhận khuyết điểm thì quá bằng “đổ dầu vào lửa”. Hãy đưa ra những lời giải thích hợp lý nhất và phương án khắc phục sai lầm. Thử tham khảo ý kiến người khác và biết đâu đó lại chính là những người sẽ lên tiếng bảo vệ bạn với những phương án tối ưu nhất.
Triển khai “tối kiến”
Có lẽ không gì thất vọng hơn việc bạn đang ôm ấp hy vọng được đội vòng nguyệt quế với sáng kiến mới thì sếp lại yêu cầu bạn làm bản tường trình vì chưa nghiên cứu đúng đối tượng khách hàng. Có thể vào thời điểm này, ý tưởng của bạn chưa phát huy tác dụng nhưng biết đâu sau này nó lại giúp bạn nổi đình nổi đám. Tuy nhiên cũng nên kiểm tra xem mình đã đi sai bước nào và cần phải điều chỉnh. Tốt nhất bạn nên nghiên cứu kỹ ý tưởng của mình và xin nhận xét của ý trưởng nhóm.