“Quy định tỷ lệ hàng Việt và hàng nước ngoài trong siêu thị là ngược với kinh tế thị trường và ngược với tinh thần mở cửa hội nhập”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói.
Ảnh minh họa
Theo thống kê, thị trường bán lẻ từ năm 2013 đến nay tại TP. Hà Nội và TP. HCM đã xuất hiện các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư mới như Robinson (Thái Lan) mới khai trường một trung tâm mua sắm tại Hà Nội vào tháng 3/2014, E-mart (Hàn Quốc) đang hoàn thành thủ tục đầu tư một trung tâm mua sắm tại TP. HCM…
Đồng thời, một số doanh nghiệp phân phối nước ngoài ở Việt Nam đang tăng tốc độ phát triển các cơ sở bán lẻ trực thuộc như Big C (Pháp), Lotte, Lock&Lock (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), B’s mart (Thái Lan)…
Đặc biệt, thời điểm 2015 nhiều điểm trong các Hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ được thực hiện, hàng rào thuế quan với các sản phẩm hàng hóa được gỡ bỏ dần khiến mối lo hàng ngoại đổ bộ thị trường Việt Nam hiện hữu.
Trước thực tế này, một số giải pháp đã được đề ra trong đó có việc có hay không quy định về tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bên lề Hội thảo “Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển ngành bán lẻ Việt Nam” diễn ra vào hôm qua (3/10), bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, việc quy định tỷ lệ hàng Việt và hàng nước ngoài trong siêu thị là ngược với kinh tế thị trường và tinh thần mở cửa hội nhập.
Theo đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất, chỉ có thể có những động viên, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh.
Đồng quan điểm với bà Đinh Thị Mỹ Loan, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Co.opmart Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, không thể có những hàng rào kỹ thuật trong việc quy định tỷ lệ hàng hóa Việt và hàng hóa nước ngoài trong siêu thị.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Co.opmart hiện đang có những ưu tiên đặc biệt hơn đối với hàng Việt Nam chất lượng cao.
“Thời gian vừa qua hệ thống siêu thị Co.opmart đã phối hợp với rất nhiều nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, tỷ trọng hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Co.opmart là 95%. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên có những chương trình thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động liên quan đến hàng Việt”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
“Đối phó” với hàng Thái Lan
Cuộc đổ bộ của hàng hóa nước ngoài đặc biệt được nhắc đến là nguy cơ hàng Thái Lan sẽ chiếm lĩnh thị trường hàng hóa Việt Nam do được đánh giá chất lượng tốt và giá cả phải chăng.
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, xu hướng gần đây khi hàng Trung Quốc đã bị hạn chế trong tiêu dùng do chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên những sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan đã đang đáp ứng được những yêu cầu từ phía người tiêu dùng.
“Khi mặt hàng nào đó của Thái Lan chiếm lĩnh thị trường tất nhiên chúng ta cũng phải có những bài toán để đối phó lại giúp cho các nhà sản xuất nghiên cứu xu hướng sử dụng của người tiêu dùng qua đó tạo ra sản phẩm phù hợp.
Với lợi thế ngay tại sân nhà, lợi thế am hiểu người tiêu dùng, các nhà sản xuất các nhà phân phối sẽ tìm ra cách làm sao tăng tỷ trọng hàng Việt Nam, không thể đặt ra quy định cụ thể về tỷ lệ bao nhiêu %”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải có sự chủ động nhất định trong việc khai thác thị trường vì bản thân doanh nghiệp biết rõ mình cần gì và muốn phát triển như thế nào.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mở rộng thị trường ở các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar… do những nền tảng lịch sử, văn hóa, chính trị tương tự như Việt Nam có thể tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển tốt nhất.
Theo Bizlive