Kể từ khi hoạt động chính thức tại Việt Nam, Metro Việt Nam luôn rơi vào cảnh lỗ khủng khi bị Metro “mẹ” liên tục bòn mót.
Ảnh minh họa
Doanh thu lớn, lỗ khủng
Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) là một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam. Sau nhiều năm hoạt động, hệ thống của Metro Việt Nam đã tăng lên con số 19. Metro Việt Nam hiện diện tại các tỉnh thành, nơi người dân có thói quen mua sắm hiện đại như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ,…
Dù ở bất cứ đâu, từ Hà Nội tới TP.HCM, Metro Việt Nam đều gây ấn tượng với quy mô hoành tráng. Trong đó, Metro An Phú tại Quận 2, TPHCM lớn hơn cả với diện tích gần 8.000m2. Tại Hà Nội, Metro Thăng Long cũng bát ngát với tổng diện tích lên tới hơn 7.000m2.
Có quy mô hoành tráng, lượng khách tới mua sắm đông đúc nên doanh thu của Metro Việt Nam năm nào cũng cao ngất ngưởng. Lượng tiêu thụ của Metro năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 13.308,43 tỷ đồng, 13.933,86 tỷ đồng và 14.099,25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giống nhiều doanh nghiệp FDI khác như Coca Cola, Pepsi, Adidas,… doanh thu không đi liền với lợi nhuận. Dù Metro Việt Nam đạt doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận lại là điều xa lạ với Metro Việt Nam.
Kể từ năm 2012, khi Metro Việt Nam dính nghi án chuyển giá, trốn thuế, báo chí liên tục đề cập tới những khoản thua lỗ “khủng” của Metro Việt Nam. “Tích lũy” sau nhiều năm hoạt động, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng.
Từ khi bắt đầu bán hàng (2002) đến năm 2012, chỉ duy nhất năm 2010 Metro khai có lãi 116 tỷ đồng.Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này “chỉ” còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Vì vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Metro chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Không chỉ dừng lại ở đó, báo cáo mới nhất của Metro Việt Nam cho thấy rõ hơn bức tranh lợi nhuận của Metro Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, thua lỗ triền miên vẫn là bộ mặt quen thuộc của ông lớn đến từ nước Đức.
Cụ thể, khoản thua lỗ trong các năm 2011, 2012 và 2013 của Metro Việt Nam lần lượt là 149,78 tỷ đồng, 356,90 tỷ đồng và 262,38 tỷ đồng.
Metro Việt Nam tự đánh giá từ 2011 tới 2012, biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay của công ty này giảm từ 5,1% xuống 2,4% . Nguyên nhân được đưa ra là do công ty mở rộng hệ thống phân phối, từ đó gia tăng chi phí vận chuyển, chi phí nhân viên.
Ngoài ra, việc Metro Việt Nam đẩy mạnh quảng cáo cũng khiến chi phí quảng cáo gia tăng
Cách thức bòn mót
Nghi án Metro chuyển giá, trốn thuế đã được đề cập tới từ lâu nhưng cho tới nay, vẫn chưa thể chính thức “luận tội” được doanh nghiệp này. Tuy nhiên, dựa vào những chỉ tiêu tài chính cũng phần nào thấy được phương thức mà Metro “mẹ” – Tập đoàn Metro ở Đức dùng để rút tiền từ Metro Việt Nam.
Theo báo cáo của Metro, lương, chi phí hỗ trợ công nghệ thông tin và nhượng quyền của Metro Việt Nam chiếm 1,5% tới 2,1% lượng tiêu thụ ròng. Trong đó, phí nhượng quyền mà Metro Việt Nam phải nộp cho Metro “mẹ” chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cụ thể, phí nhượng quyền năm 2011, 2012 và 2013 của Metro lần lượt là 153 tỷ đồng, 132,65 tỷ đồng và 110,39 tỷ đồng. Phí nhượng quyền các năm lần lượt tương đương 1,15%, 0,95% và 0,78% tổng lượng tiêu thụ ròng.
Cộng thêm một số loại phí dịch vụ khác mà Metro Việt Nam phải nộp cho các công ty khác của Metro “mẹ”, tổng phí dịch vụ mà Metro Việt Nam phải chuyển về cho “mẹ” trong các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 282,13 tỷ đồng, 263,50 tỷ đồng và 218,13 tỷ đồng.
Nếu so sánh phải các khoản thua lỗ 149,78 tỷ đồng, 356,90 tỷ đồng và 262,38 tỷ đồng trong năm 2011, 2012 và 2013 có thể thấy phí dịch vụ mà Metro Việt Nam phải nộp cho các công ty khác trong Metro không có nhiều cách biệt với những khoản thua lỗ. Thậm chí, khoản phí năm 2011 dư sức bù đắp cho khoản lỗ 149,78 tỷ đồng.
Không chỉ “bòn rút” Metro Việt Nam qua những chi phí dịch vụ, Metro “mẹ” còn “kiếm thêm” từ Metro Việt Nam qua các khoản bảo lãnh vay.
Cụ thể, hiện tại, Metro Việt Nam đang nợ hơn 4.650 tỷ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn của Metro Việt Nam được vay từ ngân hàng HSBC, Citi Bank và DEU. Phần lớn các khoản vay này đều được Tập đoàn Metro bảo lãnh với phí bảo lãnh 0,25% tới 0,35% mỗi năm.
Chuyên gia thẩm định của một ngân hàng cho biết, nhìn vào những con số này có thể thấy được sự bất hợp lý nhưng ngành thuế khó có thể bắt bẻ được Metro Việt Nam vì các công ty liên quan có thể tự quyết được những hoạt động này.
Ở trường hợp này, không có quy định nào “ép” công ty mẹ bảo lãnh vay vốn miễn phí cho công ty con. Công ty mẹ cũng có thể thoải mái đặt ra những loại phí áp cho công ty con miễn là hai bên ký kết hợp đồng rõ ràng.
Những khoản phí Metro Việt Nam phải trả cho Metro “mẹ” đã khiến doanh thu khó bù đắp được tổng chi phí. Hoạt động quảng cáo với ngân sách cao ngất ngưởng góp thêm phần “giúp” Metro Việt Nam không phải đóng thuế.
Chi phí quảng cáo của Metro Việt Nam năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 126,56 tỷ đồng, 151,26 tỷ đồng và 105,93 tỷ đồng. Metro Việt Nam không nhắc nhiều tới chi phí quảng cáo mà chỉ tập trung vào chi phí tăng vọt trong năm 2012.
Theo Metro Việt Nam, chi phí quảng cáo năm 2012 tăng vọt, tăng nhiều so với các năm khác vì các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi đặc biệt diễn ra cuối năm 2011 và trong suốt năm 2012. Đó là khoảng thời gian Metro Việt Nam mở thêm 5 siêu thị mới.
Do phải nộp khoản phí lớn cho Tập đoàn Metro và dành ngân sách lớn cho quảng cáo cũng như trả lương nên kết quả là Metro Việt Nam thua lỗ triền miên. Metro chưa phải đóng bất cứ khoản thuế thu nhập nào kể từ khi hoạt động.
Trong khi đó, BigC, một “ông lớn” cũng hoạt động trong lĩnh vực phân phối liên tục lọt vào top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.
Theo VTC