10 kiểu sếp không thể tin tưởng (phần 1)

Sếp là linh hồn của một tổ chức, đó là một chân lý khó có thể phủ nhận. Sự tin tưởng của đội ngũ nhân viên vào người lãnh đạo là điều kiện cần cho bất cứ sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nào. Có những kiểu sếp sau mà tất cả chúng ta nên tránh xa kẻo mất công hỏng việc. 

Ảnh minh họa


Đời sống riêng tư phức tạp 
Những người này khả năng tập trung kém, mục tiêu công việc cũng không rõ ràng nên ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả công việc. Điểm thấy rõ nhất của những người này là quỹ thời gian của họ bị cắt xén nhiều để giải quyết việc riêng, khi làm việc sẽ dẫn đến tình trạng “đầu óc treo ngược cành cây”. Hơn nữa họ là những người khó đoán định, bí ẩn đáng sợ. 
Một nguy cơ khác nữa là tâm trạng những người này thường thiếu ổn định, họ thường thay đổi quyết định và để tâm trạng chi phối công việc chung. Nhân viên sợ họ vì kiểu “giận cá chém thớt” trong khi sếp trên không yên tâm vì họ quá bí ẩn, hay bận việc riêng và có xu hướng thu vén cho cá nhân nhiều hơn. 

Không có những thành công đáng kể trong chuyên môn 
Những vị sếp lâu năm mà không có thành tích nào nổi bật thật sự là cơn ác mộng cho tất cả những nhân viên nhiệt huyết. Những người này thường chỉ dựa vào việc “sống lâu lên lão làng”, công tác lâu năm mà áp đặt cách quản lý của mình cho nhân viên. Tuy nhiều kinh nghiệm nhưng không hề có tư duy tổng kết cũng như sáng kiến, họ giỏi nhất trong việc ràng buộc người khác. Đây là kiểu sếp phổ biến ở các doanh nghiệp quốc doanh. 
Những người này thường xuyên kể về những kinh nghiệm nhàm chán xưa cũ, vừa mất thời gian vừa gây phản cảm cho cấp dưới. Họ không ưa những cá nhân nào quá nhiều ý tưởng cải tiến, khiến họ mệt đầu và mất đi uy quyền. Họ càng không phải là người biết nhìn xa trông rộng nhìn thấy rõ đổi thay thời cuộc nên sớm muộn nhân viên cũng cảm thấy thất vọng vì không có tí tương lai nào cho sự nghiệp bản thân. 

Coi trọng quá mức tình thân trong công việc 
Những người này ban đầu có thể gây thiện cảm vì có vẻ thân mật, dễ gần nhưng thực tế cho thấy: nếu như sếp leo lên được chức vụ cao chủ yếu nhờ quan hệ thì họ là mối nguy hại cho những nhân viên giỏi chuyên môn. Họ thường ràng buộc các nhân viên thậm chí cả cấp trên bởi những mối quan hệ kiểu “cùng hội cùng thuyền”, mọi quyết định đưa ra đều dựa trên những mối quan hệ nên những sếp kiểu này là khắc tinh của phòng nhân sự. 
Các sếp này miệng lưỡi ngọt ngào nhưng bụng dạ khó lường, họ luôn cố ý thiên vị những người nào hợp ý mình và dè chừng những nhân viên xuất sắc có thế mạnh về chuyên môn. Tuy môi trường mà họ tạo bề ngoài có vẻ hài hòa song thực chất họ đang muốn quay trở lại thời kỳ “gia đình trị” để dễ bề thao túng công ty. 

Kiểu người làm việc quên ăn ngủ, thiếu khoa học 
Mới qua thấy họ thường độc thân, ít mối quan tâm khác, làm việc quên ăn quên ngủ, các sếp trên thường hài lòng tin tưởng giao cho họ quản lý cấp dưới. Trên thực tế những người này chỉ số EQ rất kém, đời sống khô khan, là nhân tố chính khiến cho môi trường làm việc thêm ngột ngạt. 
Họ làm việc như con thiêu thân với cường độ làm việc khiến những người xung quanh choáng váng. Những người này cũng luôn căng thẳng tâm lý và thường bức xúc kiểu “giận cá chém thớt”. 
Đối với những người coi công việc là cứu cánh như thế này hãy tạo điều kiện cho họ làm chuyên viên, nhân viên xuất sắc để phát huy tinh thần làm việc của cá nhân họ nhưng đừng lôi họ vào làm quản lý với mong muốn những nhân viên khác cũng vắt kiệt sức như thế. Sự thiếu cảm thông từ những người sếp như thế sẽ làm giảm tình yêu của nhân viên với công việc. 

Kiểu người khăng khăng không muốn thay đổi 
Bảo thủ thường được nhìn nhận nhầm là sự quyết đoán hay cá tính mạnh của người có tài có quyền lực. Tuy nhiên có những người bảo thủ, cố chấp khi tài năng có hạn, được che đậy khéo léo bằng sự quyết liệt trong công việc thì thật đáng sợ. Đôi khi đây là những biểu hiện của sự che dấu yếu kém năng lực. 
Đối với những sếp này “một là một, hai là hai”, đừng dại dột có ý kiến nếu nhân viên muốn thay đổi chỗ làm. Thành kiến của họ với nhân viên cũng rất nặng nề, thường hà khắc với lỗi lầm của nhân viên và cũng không cởi mở ghi nhận những biến chuyển tốt đẹp của cấp dưới. 
Quản lý hiện đại cần một người sếp uyển chuyển, linh hoạt khao khát đổi mới để hoàn thiện doanh nghiệp. Sự bảo thủ là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ trong quản lý sản xuất.