Ngày 23/10, tiểu thương chợ Bến Thành bất ngờ trước sự xuất hiện của ông Phạm Đình Nguyên với phong cách hoàn toàn khác lạ. Trước đó, TGĐ Cà phê Trung Nguyên, TGĐ Tân Hiệp Phát, Bibica cũng gây ấn tượng khi cùng nhân viên đi giới thiệu sản phẩm.
Ảnh minh họa
Doanh nhân mua thị trấn Mỹ “đại náo” chợ Bến Thành
Xuất hiện tại chợ Bến Thành trên chiếc Hummer “phong cách Mỹ”, thị trưởng thị trấn cà phê Việt PhinDeli – ông Phạm Đình Nguyên đã gây “náo loạn” cả khu phố chợ Bến Thành với một phong cách hoàn toàn khác lạ.
Tiểu thương chợ Bến Thành bất ngờ trước sự xuất hiện của ông Phạm Đình Nguyên – Ảnh: Gia đình online
Chiếc Hummer của ông Phạm Đình Nguyên, người đã mua lại thị trấn Mỹ cách đây chưa lâu đã gây chú ý với nhiều người khi vừa dừng trước Cửa Tây chợ Bến Thành.
Trong phong cách khác lạ với mũ cao bồi, vị thị trưởng “chịu chơi”, người đã từng chi 900.000 USD mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ và đổi tên thị trấn thành PhinDeli năm 2013 – đã nhanh nhẹn bắt đầu hành trình giới thiệu hàng giữa một dãy các gian hàng chuyên về sản phẩm trà, cà phê tại chợ Bến Thành.
Sự xuất hiện của thị trưởng thị trấn Mỹ, Phạm Đình Nguyên đã thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi không ai không biết việc một người Việt mua lại thị trấn Mỹ nhưng để gặp ông thì đây là dịp hiếm.
Chia sẻ về sản phẩm cà phê có cùng tên gọi với thị trấn nước Mỹ, thị trưởng Phạm Đình Nguyên cho hay: “Với cà phê hòa tan PhinDeli, tôi muốn bạn thưởng thức cà phê phin theo cách khác. Bạn sẽ ngạc nhiên về nó. Như người Mỹ đã ngạc nhiên về thị trấn cà phê Việt PhinDeli. Không gì không thể!”.
Chủ tịch Trung Nguyên xuống đường tiếp thị cà phê
Cách đây gần 2 năm, vào sáng 7/12/2012, tiểu thương chợ Bến Thành (TP.HCM) cũng được một phen bất ngờ tiếp một… nhân viên tiếp thị đặc biệt: ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong ngày này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và trên 3.000 nhân viên của mình trên toàn quốc đồng loạt xuống đường tiếp thị các sản phẩm của công ty và quảng bá cho thương hiệu Việt, kể cả những sản phẩm công ty không sản xuất như chè, điều và nhiều loại nông sản khác.
CEO Đặng Lê Nguyên Vũ tận tay giao sản phẩm cà phê Trung Nguyên cho các chủ sạp tại chợ.
Tại chợ Bến Thành, ông chủ cà phê Trung Nguyên đã lắng nghe phản hồi của tiểu thương về sản phẩm Việt, tiếp thu ý kiến cần làm cho hình thức, bao bì đẹp mắt hơn; chất lượng và giá cả hợp lý hơn để tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Sau chuyến đi ông bày tỏ: “Chúng tôi tin rằng cuộc chiến giữa thương hiệu Việt với thương hiệu toàn cầu cuối cùng chiến thắng sẽ nghiêng về thương hiệu Việt khi có sự đồng lòng của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người Việt, của truyền thông và của các cơ quan nhà nước. Khi cùng nhau, không gì là không thể”.
TGĐ Tân Hiệp Phát và Bibica cùng nhân viên đi chợ
Không chỉ có ông Vũ, trước đó, ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát và ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty Bibica cũng đã trực tiếp đi bán hàng cùng nhân viên.
Năm 2012, sau gần 4 tháng sản phẩm Number One chanh tung ra thị trường, nhiều chủ tiệm tạp hóa, khách hàng ở TP.HCM và Bình Dương vẫn còn nhớ hình ảnh ông Trần Quí Thanh tự tay mang những chai nước tăng lực đến tiếp thị từng người và từng cửa hàng bán lẻ.
Cũng vậy, từ tháng 5 đến nay, cứ cách tháng, ông Chiến lại cùng với nhân viên công ty mang các sản phẩm mới như bánh Hura Pie, Hura Deli… đến các chợ, tiệm tạp hóa ở TP.HCM, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Nha Trang… để quảng bá.
Trong khi ông Vũ, ông Thanh mới một lần “vào vai người bán hàng” thì ông Chiến đã không ít lần cùng nhân viên xuống chợ. Từ tháng 7 đến nay, tháng nào lãnh đạo của Bibica cũng thay phiên nhau cùng nhân viên khối văn phòng mang sản phẩm giới thiệu đến người tiêu dùng.
Lúc thì người ta thấy ông Chiến bán hàng ở các chợ TP.HCM, lúc lại thấy ông tất bật cùng nhân viên giới thiệu hàng ờ Nha Trang, Cần Thơ… Đích thân CEO đi tiếp thị sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm đối tác… là những cách mà DN ráo riết triển khai nhằm khơi thông đầu ra cho hàng hóa.
Theo lý giải của những doanh nhân này, DN Việt đang đối mặt với suy thoái của nền kinh tế đồng thời với những thử thách lớn hơn từ sự “đổ bộ” của các thương hiệu toàn cầu vào Việt Nam.
Việc xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu lớn của nước ngoài đã tạo nên một cuộc chiến mới trong thương trường: cuộc chiến mà DN Việt bắt buộc phải thay đổi và tìm ra con đường để không những trụ vững mà còn vượt và thắng đối thủ trên “sân nhà”.
Theo hoclamgiau