Anh Nguyễn Đình Nguyên đã quyết tâm thành lập doanh nghiệp xã hội Tòhe xuất phát từ một câu nói trên tường…
Ảnh minh họa
Ý tưởng hình thành Tòhe, một doanh nghiệp xã hội (DNXH) với sứ mệnh mang đến cho trẻ em thiệt thòi sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo, khi anh Nguyễn Đình Nguyên đọc được câu nói nổi tiếng của danh họa Picasso trên bức tường bảo tàng ở Barcelona “Tôi chỉ cần 4 năm để có thể vẽ được như Raphael nhưng tôi đã dành cả đời mình để vẽ như một đứa trẻ”.
Anh Nguyễn Đình Nguyên – sáng lập Tòhe Style
Anh Nguyên chia sẻ, thời khắc nhận ra tranh trẻ em là chuẩn của đẹp, cũng là lúc anh nảy ra ý tưởng đưa tranh trẻ em đến với mọi người. “Không hiểu sao suốt nhiều năm tìm hiểu về hội họa, tôi lại thích những họa sỹ vẽ tranh trẻ con. Không chỉ Picasso, rất nhiều người khác cũng có suy nghĩ giống như trẻ con. Tôi không đọc được ý nghĩ của họ nhưng tôi nhìn tác phẩm rồi đoán”, anh Nguyên bộc bạch.
Tòhe tạo cho trẻ em thiệt thòi một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo, giúp các em có cơ hội trải nghiệm và học hỏi.
Với suy nghĩ tất cả trẻ em đều ẩn chứa tài năng, những gì các em thể hiện qua các tác phẩm, các hoạt động sáng tạo đều tạo ra những rung cảm tuyệt vời mà người lớn cũng cần học hỏi, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đình Nguyên bắt đầu bị xoáy vào những câu hỏi: “Làm thế nào để phát hiện và phát triển con người nghệ sỹ bên trong các em?”, “Làm sao các em hưởng lợi từ tài năng của mình trong khi phải sớm rơi vào những hoàn cảnh khó khăn?”, “Làm sao để những giá trị trong sự sáng tạo của các em được đến với nhiều người và cho mọi người cảm nhận vẻ đẹp của chúng?”
Năm 2006, Tòhe ra đời với mong muốn tạo sân chơi sáng tạo cho những em nhỏ thiệt thòi trên khắp Việt Nam, giúp các em có cơ hội trước hết là vui chơi và có những trải nghiệm thú vị. Thứ hai, Tòhe muốn hỗ trợ các em phát triển khả năng sáng tạo, gợi ý cho các em về những lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai từ chính khả năng sáng tạo của các em.
Hàng tuần, các nhân viên và tình nguyện viên của Tòhe đến các trung tâm trung tâm khuyết tật, mồ côi, các lớp học nghèo vùng sâu vùng xa hoặc các bệnh nhi hiểm nghèo tại các bệnh viện để tạo cho các em cơ hội được vui chơi và giao lưu. Tranh của các em được các nhà thiết kế của Tòhe chọn lọc và sử dụng in lên các sản phẩm.
Một cửa hàng Tòhe nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội
Đôi khi, bài học dành cho các em là trứng luộc, vẽ xong rồi ăn luôn. Đôi khi là sữa hộp. Anh Nguyên lý giải rằng, thỉnh thoảng cũng phải kết hợp giữa ăn uống và nghệ thuật để các em có nhiều năng lượng và có sức hấp dẫn hơn với bài học. Cùng với Tòhe, các em đã có những trải nghiệm thú vị và cũng tạo ra những tác phẩm rất dễ thương.
100% hồn nhiên
Có lẽ, chính vì yêu và thấu hiểu tâm tư trẻ em mà những dòng sản phẩm của chàng giám đốc trẻ cũng toát lên những nét đáng yêu. Theo lời anh Nguyên, những sản phẩm đồ thời trang, phụ kiện, đồ trang trí gia đình, quà tặng, văn phòng phẩm… đều “100% hồn nhiên”. Sản phẩm Tòhe khai thác vẻ đẹp hồn nhiên, màu sắc tự do và trí tưởng tượng không giới hạn trong tranh trẻ em làm họa tiết trang trí.
Tòhe shop nơi dành cho trẻ con và cả những người lớn muốn làm trẻ con
Với nguyên liệu thân thiện môi trường; thiết kế đơn giản, hiện đại; tinh thần hồn nhiên, ngây ngô như chính cách các em cảm nhận cuộc sống, những sản phẩm của toát lên nét riêng, độc đáo.
Hơn thế, tranh vẽ của các em thiệt thòi còn phản ánh sự trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh cuộc đời các em, làm câu chuyện về sản phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống không thể ảnh hưởng đến tinh thần sống lạc quan yêu đời, tâm hồn trong sáng, trí tưởng tượng bay bổng và mơ ước cao đẹp của con người.
“Chan chứa nước mắt”
Thời điểm quyết định thành lập DNXH, nhóm của anh Nguyễn Đình Nguyên tự tin và làm việc rất hào hứng. “Khi xuất hiện ý tưởng, tôi bàn với một nhóm bạn và quyết định rất nhanh. Mặc dù thời điểm thành lập vào năm 2006, chúng tôi không biết về khái niệm DNXH nhưng vì rất hào hứng nên chúng tôi không cảm thấy có gì khó khăn lắm”, anh Nguyên chia sẻ.
Tuy nhiên, khi hợp nhau lại để làm, thời gian đầu sự tập trung của nhóm chưa được tốt. Tòhe đã “ngất lên ngất xuống” nhiều lần, thậm chí có khoảng thời gian “ngất lịm” đi gần 1 năm.
Mãi đến năm 2009, cả nhóm mới chính thức tập trung hơn và đặt ra câu hỏi “có chạy tiếp hay không” vì dự án tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhưng nguồn lợi đem lại chưa thấy đâu cả. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giữa mặt lợi và hại, nhóm anh Nguyên đi đến thống nhất sẽ làm và làm đến cùng.
Tuy nhiên, dù cố gắng tập trung cao độ, song guồng kiếm tiền từ bên ngoài vẫn cuốn những người trẻ đi. Trước khi khởi nghiệp Tòhe, anh Nguyên đã có một công việc về truyền thông, quảng cáo mà theo anh kiếm được kha khá tiền. Đến khi quyết tâm quay lại Tòhe, anh vẫn làm công việc kinh doanh kia và quán tính vẫn kéo anh đi.
Không gian hồn nhiên, đầy sắc màu tuổi thơ
Sản phẩm mới, thị trường khác, toàn bộ mô hình khác với thứ anh Nguyên làm trước kia cũng khiến anh gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm. “Mình nghĩ rằng tranh của trẻ con in vào vải, tiện mình may ra cái gì thì may. Tóm lại, mình nghĩ gì làm nấy thôi, chả có quy hoạch, tính toán gì nhiều. Nó dẫn đến chuyện sản phẩm ra đời một cách tự phát, không xác định rõ khách hàng mục tiêu của mình là ai, mình phát triển dòng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu nào, bởi bản thân mô hình của mình cũng thay đổi. Công ty cũ của mình cũng chỉ cung cấp dịch vụ thôi, trong khi dự án mới công việc nào cũng đòi hỏi chuyên môn phức tạp”, anh Nguyên chia sẻ.
Thời điểm đó, Tòhe là đơn vị đầu tiên nhập máy in trên vải về Việt Nam. Bản thân công nghệ mới có rất nhiều vấn đề: sản phẩm in ra bị phai, chất lượng không như mong muốn. Ngoài ra, bài toán bán lẻ cũng khiến nhóm anh Nguyên cực kỳ đau đầu. Hoặc xuất khẩu cũng là bài toán khủng khiếp khác với anh. Tất cả những vấn đề đó khiến công ty của anh trở nên cồng kềnh, phức tạp và kém hiệu quả.
“Tòhe phải trả giá cho 3-4 năm loay hoay. Thực tế mình đã phải bán đi một cái nhà và xe ô tô để đổ tiền vào đấy, vì thế nó cũng chan chứa nước mắt”, anh Nguyên bồi hồi nhớ lại.
Mỗi thất bại là muôn vàn sự trả giá, nhưng với tình yêu và sự tâm huyết với trẻ nhỏ, anh Nguyên cùng những cộng sự của mình đã dần vực dậy công ty. Hiện một phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Tòhe đã được dùng để mở rộng Chương trình Sân chơi Sáng tạo Tòhe (nhân rộng lớp học sáng tạo, chương trình đào tạo giáo viên, phát triển giáo trình sáng tạo, chương trình học bổng cho các em có khả năng…).
Anh Nguyên kỳ vọng một ngày không xa sẽ đưa sản phẩm Tòhe đến với tất cả mọi người như một nỗ lực phân phát và gieo trồng sự hồn nhiên, trong sáng và niềm vui trong trẻo mà những người lớn chúng ta vô tình đánh mất giữa cuộc sống với những áp lực mưu sinh.
Theo hoclamgiau