6 cách giúp bạn “đối phó” với thất nghiệp

Bạn buồn rầu vì vừa mất đi một công việc lý tưởng hoặc bạn lo lắng vì chưa xin được việc sau khi ra trường,… tất cả những điều đó đang khiến bạn nản lòng. Thay vì nuối tiếc hãy tìm cho mình một lối thoát với những gợi ý sau.
Chuyên gia nghề nghiệp Neha Deskmuh chia sẻ “Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng tăng do nhu cầu công việc cũng như dư chấn của khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều người đã mất đi công việc hoặc chưa tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Họ rất buồn. Tuy nhiên, không có gì là vĩnh viễn trong cuộc sống này, chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ nhận thấy rằng bất cứ việc gì cũng có cách giải quyết của nó. Thất nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này,… Hãy bắt đầu với những lời gợi ý dưới đây”.


Đừng hoang mang
Những điều này xảy đến với bạn quá bất ngờ, bạn buồn, bạn chán nản và vì thế rất có thể bạn sẽ bị trầm cảm. Thay vì hoang mang, hoảng sợ hãy bình tĩnh và tin tưởng vào chính mình. Tự thuyết phục bản thân rằng tình hình này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng được giải quyết nên không cần quá lo lắng. Thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn. Chỉ khi bạn có một tinh thần tốt, bạn mới có thể suy nghĩ xem mình nên làm gì và nên bắt đầu lại như thế nào? Nếu bạn “rối” lên thì sẽ chẳng thể nghĩ được gì mà chỉ khiến bản thân cũng như những người thân thêm mệt mỏi.

Phân tích hoàn cảnh của bạn
Một khi tâm trí bạn bình tĩnh, hãy cố gắng phân tích những gì đã xảy ra. Nguyên nhân vì sao bạn mất việc hoặc vì sao bạn chưa tìm được việc? Bạn thực sự là người có năng lực hay không? Bạn có hài lòng với công việc đó không về môi trường, về tài chính,..? Cố gắng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Nếu bạn cảm thấy rằng công việc trước đây không phải là công việc bạn yêu thích, thì bạn không cần phải nuối tiếc. Nếu bạn đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc, đừng buồn và thay vì vội vàng chọn một công việc bất kỳ không thuộc chuyên môn hãy chờ đợi một công việc thực sự dành cho bạn.

Mở ra các giải pháp thay thế
Chấp nhận là chìa khóa thành công. Bạn sớm chấp nhận thực tế bao nhiêu bạn sẽ nhanh mở ra các sự lựa chọn thay thế bấy nhiêu. Hãy suy nghĩ về những cách kiếm tiền khác, liên lạc với những người bạn quen biết để kết hợp với họ tìm kiếm thông tin cho những công việc mới. Hoàn thành sơ yếu lý lịch và cập nhật thời gian phỏng vấn của các công ty khác một cách khẩn trương.

Lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp trùng với sở thích
Bạn biết đấy khi bạn thực sự yêu thích một công việc nào bạn sẽ làm rất tốt công việc đó. Chính vì vậy hãy xem xét và lựa chọn nghề hợp với sở thích của mình. Nếu bạn thích viết, hãy theo đuổi nghề báo..nó có thể sẽ không chỉ là nghề mà còn là nghiệp của bạn nữa đấy…Cố gắng chọn công việc trùng với sở thích để có thể không chỉ hoàn thành tốt công việc mà còn tạo hứng khởi cho bạn mỗi khi làm việc.

Cải thiện kỹ năng của bạn
Sau khi bạn đã phân tích và suy nghĩ về các lựa chọn thay thế, hãy cố gắng cải thiện các điểm yếu về ky năng của mình. Sử dụng phần lớn quỹ thời gian của mình để nâng cao kỹ năng bằng cách tham gia các lớp học chuyên ngành hoặc các lớp đào tạo kỹ năng mềm…Ngoài ra nếu bạn là người có cái tôi quá cao, hãy để nó sang một bên vì bạn nên hiểu một thực tế là bạn “chiều” xã hội chứ không phải xã hội “chiều” bạn, chính vì vậy hãy linh hoạt trong mọi việc và học cách chấp nhận thực tế.

Vấn đề tài chính
Mất việc đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập hàng tháng. Đây là vấn đề quan trọng, tiêu tốn của bạn nhiều công sức. Hơn thế nữa, bạn cũng không thể xác định được vấn đề này đến khi nào mới kết thúc. Vì thế hãy tiết kiệm chi tiêu một cách cẩn thận. Ngoài ra hãy tìm các khoản trợ cấp thất nghiệp ở công ty trước đây bạn làm việc (nếu có). Nếu bạn là trụ cột duy nhất của gia đình thì bạn càng phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Chán nản, căng thẳng sẽ chẳng mang tới cho bạn lợi ích gì vì thế hãy luôn bình tĩnh và khôn khéo để giải quyết mọi việc.

Theo doanhnhanvang