Ở vị trí một nhà lãnh đạo, có bao giờ bạn gặp tình huống thành viên trong nhóm tỏ ra không mấy nhiệt tình với ý tưởng của bạn? Cấp dưới tuân thủ quyết định của bạn vì lý do trách nhiệm hơn là sự háo hức?
Ảnh minh họa
Nhân viên là một phần thiết yếu của quá trình lãnh đạo. Không có nhân viên tốt thì cũng chẳng có lãnh đạo giỏi. Đâu đó người ta đã nói rằng “Dẫn đầu mà không có ai theo sau thì chỉ là đi bộ”.
Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ không đánh giá thấp sức mạnh của cấp dưới. Một nhà lãnh đạo giỏi phải hiểu rõ tầm quan trọng của nhân viên. Họ chính là nguồn động lực cho sự thành công của tổ chức.
Lãnh đạo giỏi phải biết mình và hiểu những người đang ở cạnh mình. Lãnh đạo không phải là một đặc quyền tự bạn có được, mà là một đặc ân được những người khác trao tặng. Tìm hiểu về các kiểu người ở cạnh lãnh đạo và động cơ của họ giúp lãnh đạo gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.
Sau đây là 7 kiểu người thường gặp dưới trướng lãnh đạo:
1. Người nịnh bợ – luôn đồng tình
Không thể trông chờ những người này đưa ra các phản hồi có giá trị hoặc mang tính phê bình, đặc biệt trong trường hợp quyết định và việc làm của lãnh đạo đang xung đột với mục đích và các giá trị của tổ chức.
Những người này không bao giờ chỉ ra vấn đề và luôn im lặng; họ sẽ tránh bất kỳ tình huống đối kháng nào và sẽ trì hoãn công việc của lãnh đạo.
2. Người ưa chỉ trích – phe đối lập
Mục tiêu của những người này là thách thức và đặt ra vấn đề cho nhà lãnh đạo trong mọi khía cạnh, cả công việc lẫn cá nhân. Họ có thể được phân loại thành nhóm bất mãn, có lẽ vì họ không được công nhận, không được khen thưởng, không được thăng tiến như họ mong muốn hoặc xứng đáng.
Họ thường xuyên là người đầu tiên chào đón nhân viên mới và chỉ bảo những “góc khuất” của công sở.
3. Người thực tế – hỗ trợ hiệu quả
Những người này sẽ đưa ra những phê bình mang tính xây dựng và tích cực tương tác với các nhà lãnh đạo. Nếu họ đồng ý với các quyết định, họ sẽ hỗ trợ lãnh đạo 100%.
Nhưng nếu họ không đồng ý, họ sẽ thách thức các nhà lãnh đạo, đưa ra các lựa chọn thay thế mang tính xây dựng để giúp lãnh đạo và tổ chức đạt được mục tiêu.
4. Người trung thành – luôn ủng hộ
Họ cam kết gắn bó với công ty và làm việc chăm chỉ để hỗ trợ các nhà lãnh đạo. Họ là người làm việc chăm chỉ và rất đáng tin cậy.
Họ hài lòng với điều kiện làm việc, làm việc hiệu quả, có đam mê và gắn bó với nhóm. Họ sẽ nỗ lực để gặt hái thành công bằng cách tích cực đưa ra gợi ý.
5. Kẻ phản bội – không dễ phát hiện
Đây là người chống đối trong im lặng và đầy âm mưu. Họ là những diễn viên rất tài ba nên ất khó để phát hiện ra (cho đến khi quá muộn) vì họ đã nỗ lực giành được sự tin tưởng hoàn toàn của lãnh đạo. Họ có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ về lãnh đạo và bí mật làm những việc gây trở ngại cho lãnh đạo.
6. Khán giả – Các quan sát viên
Họ không ở phe nào cả và chỉ đứng ngoài quan sát. Họ chỉ làm việc vì tiền lương và không muốn tham gia hay gắn bó với cái gì cả. Họ không gắn bó sâu đậm với tổ chức hay công việc và luôn giữ một vị trí trung lập với các nhà lãnh đạo.
7. Người cơ hội
Họ là những người có thể dễ dàng mua chuộc. Họ muốn được gần gũi với những ai có quyền lực và lòng trung thành của họ chỉ dành cho những người đang ở trên đỉnh. Không khó để nhận ra những người này. Họ sẽ rất tích cực với mọi người, mọi việc ở những thời điểm chuyển giao quyền lực.
Theo TM