Bạn Thử đoán xem 41% các chuyên gia tuyển dụng coi điều gì quan trọng hơn chỉ số IQ? Đó chính là trí tuệ cảm xúc: EQ.
Khi bạn có chỉ số EQ cao, bạn sẽ có khả năng nhận diện và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, cũng như của người khác.
Và điều đó không chỉ quan trọng khi bạn phỏng vấn xin việc – nó còn là chìa khóa thành công ở chốn công sở nữa. Theo thống kê, khoảng 58% các yếu tố dẫn đến thành công của bạn là nhờ EQ.
Nếu bạn muốn biết làm cách nào để cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình, hãy cân nhắc 4 thói quen dưới đây của những người có EQ cao nhé.
1. Họ biết dừng lại
Trong những thời điểm căng thẳng, những người có EQ cao không bao giờ phản ứng mà không dừng lại một chút và cân nhắc kỹ lưỡng về hoàn cảnh hiện tại. Một điểm dừng ngắn ngủi này giúp họ xem xét điều gì đang diễn ra và ngăn họ nói hoặc làm những điều bốc đồng, hấp tấp.
Dưới đây là những điều mà họ sẽ cân nhắc trong quãng thời gian ngắn ngủi đó:
• Tâm trạng của người kia ra sao? Họ có lo lắng, giận dữ, khó chịu, căng thẳng hay thất vọng không?
• Mình đang cảm thấy thế nào?
• Mình có thể làm gì để cả hai cùng cảm thấy dễ chịu?
• Nếu không làm được gì, liệu có nên nói gì đó để xoa dịu người khác không?
Sự tạm ngừng trong giây lát này sẽ giúp bạn tìm được phản hồi thích hợp, thay vì nói ra những điều mà sau này bạn sẽ phải hối tiếc.
2. Họ đặt rất nhiều câu hỏi
Một trong những cách tốt nhất để biết được người khác đang cảm thấy thế nào là đặt thật nhiều câu hỏi. Đó là những câu hỏi khiến người được hỏi cảm thấy thoải mái – và giúp họ cởi mở hơn trong việc chia sẻ cảm xúc.
Những câu hỏi đó có thể như sau:
Người thứ 1: Chào, ngày hôm nay có gì vui không?
Người thứ 2: Cũng khá ổn. Chúng em đang cố hoàn thành bài thuyết trình trước buổi hội thảo.
Người thứ 1: Thế là ổn rồi. Chỉ còn vài ngày nữa là đến hội thảo đúng không? Các em có gặp khó khăn gì không?
Người thứ 2: Về cơ bản thì khó nhất là tập hợp mọi người. Ai cũng làm việc của mình vào những giờ khác nhau, vì thế rất khó kết hợp.
Người thứ 1: Đúng là khó thật. Nhưng cuối cùng cũng ổn chứ?
Người thứ 2: Vâng, rốt cuộc thì cũng giải quyết được, nhưng cũng mất thời gian ạ…
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp nhanh chóng trở nên thành thật với bạn khi bạn đưa ra các câu hỏi và chú ý lắng nghe.
3. Họ chịu khó suy ngẫm
Những người có EQ cao hiểu được rằng, xem xét kỹ lưỡng cách họ cảm nhận và hành động trong quá khứ sẽ giúp họ thêm thận trọng và có ý thức hơn sau này. Chẳng hạn, khi họ về nhà nhưng không vui, họ không ngay lập tức quên phắt mọi thứ và thả mình trên ghế băng cho thoải mái. Thay vào đó, họ dành thời gian suy nghĩ về những điều làm họ phiền lòng và tìm ra lý do.
Hình thành được thói quen này không phải dễ dàng, nhưng nếu thực hiện được, bạn sẽ có khả năng tối ưu hóa cuộc sống thường ngày của mình.
4. Họ biết cảm thông với người khác
Những người có EQ cao thường đặt chính mình vào hoàn cảnh của người khác. Nhờ thế họ dễ dàng hiểu được tại sao người này làm thế này, người kia cảm thấy thế kia – và có những phản ứng thích hợp.
Chẳng hạn cấp trên của bạn bước vào, vẻ mặt căng thẳng, và ngay lập tức chất vấn bạn về tiến độ của một dự án mà bạn mới được giao hôm qua.
Bạn sẽ:
• Ngay lập tức tìm cách chống chế?
• Tự nhắc mình rằng một nhân viên chủ chốt vừa nghỉ việc và cấp trên của bạn muốn tìm một người thay thế?
Cách phản ứng thứ hai chắc chắn sẽ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và tự chủ hơn nhiều.
Dần dần, bạn có thể tự luyện để trí tuệ cảm xúc của mình tăng lên đáng kể. Khi đó bạn không chỉ hạnh phúc hơn, mà còn khiến người khác cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều nữa!
Theo Trí thức trẻ